hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 17/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bảo hiểm y tế khác gì bảo hiểm xã hội? Cách phân biệt dễ hiểu, chính xác

Hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa biết rõ bảo hiểm y tế khác gì bảo hiểm xã hội, từ đó không bảo vệ được quyền lợi của bản thân khi cần. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin và giải quyết thắc mắc này.

Bảo hiểm y tế khác gì bảo hiểm xã hội? Làm sao để phân biệt?

Câu hỏi: Em mới ra trường và đã sắp hết 2 tháng thử việc. Nếu được ký hợp đồng chính thức với công ty, em nghe nói mình sẽ được đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Vậy 2 loại bảo hiểm này có gì khác nhau ạ? Có thể phân biệt theo tiêu chí gì ạ?

Để trả lời thắc mắc bảo hiểm y tế khác gì bảo hiểm xã hội, ta xem xét quy định pháp luật sau:

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội được định nghĩa là sự thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong trường hợp ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, nghỉ hưu…dẫn đến giảm sút hoặc mất thu nhập.

Bảo hiểm xã hội hiện nay gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.

Mặt khác, theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế ban hành năm 2014, bảo hiểm y tế được định nghĩa là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện. Loại bảo hiểm này được áp dụng đối cho các đối tượng quy định với mục tiêu chăm sóc sức khỏe, không vì lợi nhuận.

Bảo hiểm y tế hiện nay gồm bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện.

Để phân biệt một cách rõ ràng sự khác biệt giữa 02 loại bảo hiểm này, ta dựa vào các tiêu chí sau:

Nội dung

Bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm y tế

Trường hợp áp dụng

- Ốm đau;

- Tai nạn lao động;

- Bệnh nghề nghiệp;

- Có thai;

- Nghỉ hưu;

- Chết.

Khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Chế độ

- Bảo hiểm bắt buộc: ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí, tử tuất;

- Bảo hiểm tự nguyện: hưu trí, tử tuất.

- Bảo hiểm y tế bắt buộc;

- Bảo hiểm y tế tự nguyện (bảo hiểm y tế hộ gia đình).

Mức đóng

(1) – Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: 25,5% tiền lương hằng tháng (trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động là 17,5%)

(Căn cứ: Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH và khoản 10, khoản 11 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH).

(2) – Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: 22% mức thu nhập chọn đóng bảo hiểm trừ đi mức hỗ trợ đóng từ Nhà nước .
(Căn cứ: Điều 10 và Điều 14 Nghị định 134/2015).

(1) – Bảo hiểm y tế bắt buộc: 4,5 % tiền lương hằng tháng (trong đó, người lao động đóng 1,5% còn người sử dụng lao động đóng 3%).

(Căn cứ: Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH và khoản 10, khoản 11 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH)

(2) – Bảo hiểm y tế tự nguyện (bảo hiểm theo hộ gia đình:

+ Người đầu tiên: 4,5% mức lương cơ sở;

+ Người thứ 2, 3, và 4: lần lượt bằng 70%, 60% và 50% người đầu tiên;

+ Người thứ 5 trở đi: 40% người đầu tiên.

(Căn cứ: điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP)

Mức hưởng

Căn cứ vào quá trình và mức đóng

Căn cứ vào đối tượng, khám đúng tuyến hay trái tuyến, trường hợp khám (ví dụ: khám thông thường hay đi cấp cứu)...

Bảo hiểm y tế khác gì bảo hiểm xã hội? Làm sao để phân biệt?
Bảo hiểm y tế khác gì bảo hiểm xã hội? Làm sao để phân biệt?

Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không đóng bảo hiểm y tế được không?

Câu hỏi: Tôi là công nhân may có ký hợp đồng lao động 01 năm. Công ty đã đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho tôi. Nếu đã đóng bảo hiểm xã hội rồi thì tôi không được tham gia bảo hiểm y tế đúng không?

Theo quy định pháp luật, người lao động là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế bắt buộc.

Cụ thể, khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ rõ, người lao động là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng (hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ…), kể cả hợp đồng giữa đại diện của người dưới 15 tuổi và bên sử dụng lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng từ đủ 01 tháng - dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công – viên chức;

- Công nhân thuộc lực lượng quốc phòng, lực lượng công nhân công an, người làm công tác cơ yếu;

- Người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng;

- Người quản lý tại doanh nghiệp, hợp tác xã có nhận lương hằng tháng;

- Người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Ngoài ra, theo Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Bảo hiêm y tế 2014, người lao động phải tham gia bảo hiểm y tế là:

- Người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;

- Người lao động là người quản lý doanh nghiệp có tiền lương hằng tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Đồng thời, khoản 1 Điều 168 Bộ Luật Lao động 2019 đã chỉ rõ, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Từ các quy định trên có thể kết luận, người lao động đã ký hợp đồng từ 03 tháng trở lên phải tham gia cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn đã ký với công ty hợp đồng lao động xác định thời hạn trên 03 tháng, do vậy bạn là đối tượng bắt buộc tham gia cả 02 loại hình bảo hiểm nêu trên.

Xem tiếp: Bao nhiêu tuổi thì hết tuổi đóng bảo hiểm xã hội?

Trên đây là một số nội dung liên quan thắc mắc bảo hiểm y tế khác gì bảo hiểm xã hội. Nếu còn câu hỏi khác, xin mời khách hàng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ thêm.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Văn bản liên quan

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X