Không thể phủ nhận những lợi ích mà bảo hiểm y tế mang lại tuy nhiên nhiều người vẫn thắc mắc về việc bảo hiểm y tế có bắt buộc không? Liệu không đóng có bị phạt?
Bảo hiểm y tế có bắt buộc không?
Để trả lời thắc mắc bảo hiểm y tế có bắt buộc không, ta cần xét nội dung khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật bảo hiểm y tế 2014. Cụ thể, đây là hình thức bảo hiểm bắt buộc mà Nhà nước dành cho những đối tượng được Luật này quy định với mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân không vì lợi nhuận.
Hiện nay có 02 loại hình bảo hiểm y tế là: bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm y tế bắt buộc. Trong đó, bảo hiểm y tế chỉ bắt buộc với một số nhóm đối tượng được quy định tại Chương I Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
- Nhóm do cơ quan BHXH đóng
- Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng
- Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng
- Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình
- Nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Trong những đối tượng này, có nhóm được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ, có nhóm chỉ được hỗ trợ 1 phần chi phí đóng. Dù mức chi trả có thể khác, song bảo hiểm y tế vẫn mang đến nhiều lợi ích cho người tham gia.
Như vậy, việc tham gia bảo hiểm y tế là bắt buộc đối với những đối tượng được được quy định nêu trên. Những người không nằm trong diện này có thể tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật.
Bảo hiểm y tế có bắt buộc không?
Học sinh có bắt buộc mua bảo hiểm y tế ở trường không?
Có thể khẳng định, học sinh đang đi học sẽ không tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Theo Điều 12 Luật bảo hiểm y tế năm 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế 2014, học sinh là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế.
Dựa vào nội dung Chương I Nghị định 146/2018/NĐ-CP hiện hành, có tất cả 06 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, trong đó học sinh, sinh viên thuộc Nhóm 4 - Nhóm được hỗ trợ mức đóng (Căn cứ: khoản 3 Điều 4 của Nghị định).
Xét nội dung Điều 5 Nghị định 146 năm 2018 đã được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 104/2022 có thể hiểu: Nhóm 5 – Nhóm tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình - là tập hợp những người cùng đăng ký thường trú, tạm trú trong một hộ gia đình trừ những người đã tham gia loại bảo hiểm này theo các nhóm khác của Nghị định này.
Cụ thể hơn, tại khoản 6 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH nêu rõ rằng: học sinh - sinh viên phải đóng phần tiền bảo hiểm không được hỗ trợ theo định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng.
Đặc biệt: trường hợp học sinh – sinh viên thuộc nhóm tham gia bảo hiểm y tế do Ngân sách đóng (ví dụ: con của cán bộ công an, con bộ đội, người dân tộc thiểu số…) thì áp dụng khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi năm 2014, tức là đóng theo đối tượng đầu tiên được xác định theo danh sách được liệt kê như sau:
(1) - Nhóm đóng bảo hiểm y tế do người lao động và bên sử dụng lao động đóng;
(2) - Nhóm tham gia bảo hiểm y tế được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
(3) - Nhóm được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế;
(4) - Nhóm đóng bảo hiểm y tế được nhà nước hỗ trợ mức đóng;
(5) - Nhóm đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình;
(6) - Nhóm được sử dụng lao động đóng tiền tham gia bảo hiểm y tế.
Cho nên, những học sinh là con em dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn, con bộ đội, con của ông an…không phải đóng tiền bảo hiểm y tế cho trường học.
Từ những phân tích trên có thể kết luận, học sinh phải tham gia bảo hiểm y tế tại trường học (trừ một số trường hợp đặc biệt).
>>Xem thêm: Mức giá bảo hiểm y tế 2023 là bao nhiêu?
Không mua bảo hiểm y tế có bị phạt không?
Nội dung khoản 1 Điều 168 Bộ Luật Lao động 2019 đã chỉ rõ: việc tham gia bảo hiểm (trong đó có bảo hiểm y tế) là trách nhiệm của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động.
Cho nên, nếu không đóng bảo hiểm theo quy định thì người lao động và doanh nghiệp, tổ chức…đều sẽ bị phạt theo Điều 80 Nghị định 117/2020. Cụ thể:
*Trường hợp người lao động không đóng bảo hiểm y tế
Là đối tượng bắt buộc tham gia loại hình bảo hiểm này (Căn cứ: khoản 1 Điều 12 Nghị định 146/2018), người lao động không tham gia bảo hiểm y tế có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng.
*Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp…không đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên
Mức phạt dành cho tổ chức, doanh nghiệp vi phạm là:
- Không đóng dưới 10 nhân viên: phạt từ 01 – 03 triệu đồng;
- Không đóng từ 10 – 49 nhân viên: phạt từ 03 – 05 triệu đồng;
- Không đóng từ 50 – 99 nhân viên: phạt từ 05 – 10 triệu đồng;
- Không đóng từ 100 – 499 nhân viên: phạt từ 10 – 20 triệu đồng;
- Không đóng từ 500 – 999 nhân viên: phạt từ 20 – 30 triệu đồng;
- Không đóng từ 1000 người lao động trở lên: phạt từ 30 – 40 triệu đồng.
Tham gia bảo hiểm y tế mang đến rất nhiều lợi ích. Đối với cá nhân, đó là khoản “cứu cánh” khi ốm đau; đối với doanh nghiệp thì việc trích đóng bảo hiểm hằng tháng sẽ được xác định là chi phí hợp lý, từ đó có thể trừ đi khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Do vậy, để hưởng quyền lợi thì tất cả mọi người nên tham gia bảo hiểm y tế một cách tự nguyện.
Vừa rồi là thông tin giải đáp cho việc bảo hiểm y tế có bắt buộc không? Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được tư vấn kịp thời.