hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 19/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh là gì? Xử lý nếu có xâm phạm ra sao?

Bí mật kinh doanh được coi là những yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công hoặc thất bại của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Vậy việc bảo hộ bí mật kinh doanh được pháp luật sở hữu trí tuệ quy định thế nào? Xử lý ra sao nếu có người xâm phạm đến bí mật kinh doanh đã được bảo hộ?

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi là một doanh nghiệp nhỏ, với ngành nghề kinh doanh liên quan đến thủ công mỹ nghệ (ngành nghề truyền thống). Đối với ngành nghề của chúng tôi nói riêng, có một số những lợi thế kinh doanh và những bí mật kinh doanh (liên quan đến thị trường đầu tư, thị trường để sản xuất sản phẩm) nhằm đạt được ưu thế trong kinh doanh, mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.

Tôi muốn Luật sư giải đáp giúp tôi: Tôi phải đáp ứng điều kiện gì để có thể được Nhà nước bảo hộ những bí mật trong kinh doanh này?

Và nếu có người xâm phạm thì tôi được quyền xử lý theo những phương án nào?

Chào bạn, liên quan đến bí mật kinh doanh mà bạn đang vướng mắc, chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau:

Điều kiện để bí mật kinh doanh được bảo hộ là gì?

Căn cứ khoản 23, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, bí mật kinh doanh được định nghĩa là những thông tin của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có được từ các hoạt động tài chính, đầu tư mà chưa được bộc lộ ra và có khả năng được sử dụng trong các hoạt động kinh doanh để nhằm hướng tới mục đích thu lợi nhuận.

Bảo hộ bí mật kinh doanh thực chất là việc thực hiện bảo vệ bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bí mật kinh doanh là một trong những quyền sở hữu công nghiệp theo phân loại của Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Theo đó, để được bảo hộ thì bí mật kinh doanh phải có căn cứ được bảo hộ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 và đáp ứng điều kiện bảo hộ theo quy định tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;

Điều kiện bảo hộ gồm:

- Bí mật kinh doanh không phải là những hiểu biết thông thường dễ dàng có được, đạt được;

- Bí mật kinh doanh được chủ sở hữu bảo vệ, bảo mật bằng những biện pháp riêng biệt;

- Nếu có được bí mật kinh doanh thì chủ sở hữu sẽ chiếm được ưu thế trên thị trường so với những người không có lợi thế hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó.

Như vậy, để bí mật kinh doanh được bảo hộ thì chủ sở hữu bí mật kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện như chúng tôi đã nêu ở trên. Do chúng tôi chưa có thông tin về bí mật kinh doanh của bạn nên chưa thể khẳng định bí mật kinh doanh đó có hay không có đủ điều kiện để được bảo hộ theo quy định pháp luật.

Từ những giải đáp của chúng tôi ở trên, bạn đối chiếu với trường hợp của mình để có đáp án phù hợp.

bao ho bi mat kinh doanh


Xử lý xâm phạm bí mật kinh doanh bằng cách nào?

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, việc xử lý xâm phạm bí mật kinh doanh đã được bảo hộ có thể được tiến hành theo những cách sau đây:

Cách 1: Đối thoại giữa các bên và yêu cầu thực hiện chấm dứt hành vi vi phạm

Đây là biện pháp thông thường được thực hiện đối với trường hợp các lỗi vi phạm thường không quá nghiêm trọng hoặc bên vi phạm vô ý xâm phạm đến bí mật kinh doanh đã được pháp luật bảo hộ cho bên còn lại.

Bên bị xâm phạm có quyền gửi thư/công văn/văn bản…yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Cách 2: Khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết

Đây là cách thức giải quyết mang lại hiệu quả cao nhất đối với các bên. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và yêu cầu của các bên mà Tòa án thực hiện các biện pháp xử lý dân sự theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:

Điều 202. Các biện pháp dân sự

Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

4. Buộc bồi thường thiệt hại;

5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Để được Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo trình tự tố tụng thì bên bị vi phạm cần phải thu thập căn cứ, chứng cứ chứng minh quyền của mình, lỗi của bên vi phạm theo quy định.

Như vậy, để bảo vệ quyền sở hữu của mình đối với bí mật kinh doanh đã được bảo hộ thì chủ sở hữu có thể thực hiện theo một trong hai cách mà chúng tôi đã hướng dẫn ở trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về ​bảo hộ bí mật kinh doanh​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X