hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 03/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bạo lực gia đình gọi số nào? Tố cáo bạo hành gia đình ở đâu?

Bạo lực gia đình vẫn là một vấn đề nhức nhối. Vậy khi gặp tình trạng bạo lực gia đình thì gọi số nào? Tố cáo bạo lực gia đình ở đâu? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu...

Câu hỏi: Cháu chào cô chú, cháu năm nay 10 tuổi. Gần đây bố cháu hay uống rượu và về nhà quát mắng và đánh mẹ con cháu. Cháu muốn chính quyền giúp đỡ thì phải gọi số nào và tố cáo ở đâu ạ. Cháu xin cảm ơn.

Bạo lực gia đình gọi số nào? 

Bạo lực gia đình gọi số nào?

Bạo lực gia đình là một vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với người bị bạo lực nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung. Nhà nước ta luôn nỗ lực để ngăn chặn và xử lý tình trạng này. Thậm chí, năm 2008, lần đầu tiên Luật phòng chống bạo lực gia đình đã được thông qua để giúp chúng ta có một hành lang pháp lý xác định thế nào là bạo lực gia đình và chế tài xử lý đối với hành vi này .

Theo điều 2 và điều 3 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022, thì hành vi bạo lực gia đình được giải thích là hành vi của thành viên trong gia đình cố ý gây tổn thương hoặc đe dọa, có khả năng gây tổn thương về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Hành vi bạo lực gia đình được mô tả chi tiết với các hành vi cụ thể được liệt kê trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, ví dụ như:

- Hành hạ, đánh đập ngược đãi, lăng mạ, chì chiết hoặc các hành vi cố ý khác xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm của các thành viên gia đình;

- Gây áp lực tâm lý khi cưỡng ép thành viên trong gia đình chứng kiến bạo lực đối với người hoặc con vật;

- Ngăn cản thành viên trong gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác;

- Cưỡng ép mang thai, phá thai hoặc lựa chọn giới tính thai nhi;

- Cưỡng ép thành viên trong gia đình học tập, lao động quá sức, kiểm soát tài sản và thu nhập của họ dẫn đến tính trạng lệ thuộc về vật chất, tinh thần….;

Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và các nạn nhân của bạo lực gia đình cần phải được bảo vệ. Vì vậy, khi gặp tình trạng này, người bị bạo lực hoặc người biết về hành vi bạo lực đó có thể gọi điện đến Tổng đài 18001768 của Trung ương Hội nông dân Việt Nam để tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp người bị bạo lực gia đình hoặc Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Tố cáo bạo hành gia đình ở đâu?

Theo quy định tại Điều 19 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, thì khi gặp hành vi bạo lực gia đình thì cá nhân, tổ chức có thể báo tin, tố cáo những hành vi này tại các địa chỉ sau:

- UBND cấp xã nơi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình;

- Cơ quan Công an, Đồn biên phòng gần với nơi xảy ra bạo lực gia đình;

- Các cơ sở giáo dục – nơi mà người đang theo học bị bạo lực gia đình;

- Tổ trưởng TDP, trưởng thôn, trưởng Ban công tác mặt trận tổ quốc nơi xảy ra bạo lực gia đình;

- Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội nơi xảy ra bạo lực gia đình;

- Tổng đài điện thoại về phòng chống bạo lực gia đình;

Việc tố cáo đến những địa chỉ này có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như gọi điện, nhắn tin, đơn thư hoặc đến trực tiếp.

Tố cáo bạo hành gia đình ở đâu?

Bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điều 44 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 thì người có hành vi bạo lực gia đình tùy theo mức độ, tính chất thì có thể bị xử lý kỷ luật xử lý vi phạm hành chính hoặc nặng nhất là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với đó, người có hành vi bạo lực có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại.

- Đối với xử lý hành chính: Tại Mục 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng có những quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình. Ví dụ: Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng; hay Điều 55 Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng, cùng với việc buộc xin lỗi công khai nạn nhân là biện pháp khắc phục hậu quả;…..

- Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự: Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 cũng có những tội có thể áp dụng đối với hành vi bạo lực gia đình như Điều 181 Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện; Điều 185 Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, hoặc người có công nuôi dưỡng mình; Điều 186 Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng…Thậm chí, tùy vào mức độ và tính chất người có hành vi bạo hành có thể bị truy tố về một số tội như Tội Giết người, Tội cố ý gây thương tích, Tội hành hạ người khác…..

Một số thông tin liên quan đến bạo hành gia đình

Số điện thoại bảo vệ phụ nữ

Phụ nữ là 1 trong các đối tượng thế yếu, thường xuyên là nạn nhân của bạo lực gia đình. Vì vậy, khi phụ nữ bị bạo lực gia đình thì ngoài việc liên hệ với hội phụ nữ  hoặc các tổ chức bảo vệ phụ nữ, thì mọi người có thể gọi điện đến Tổng đài 1800 1768 – đây là đường dây nóng của Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.

Tổng đài bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Để báo tin, tố cáo và tìm kiếm sự giúp đỡ khi phụ nữ và trẻ em bị bạo hành thì mọi người có thể gọi đến tổng đài 111 – đây là tổng đài quốc gia về Bảo vệ trẻ em hoặc tổng đài 1800 1768 – đây là đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành

Khi phụ nữ bị bạo hành, họ có thể liên hệ một số địa chỉ để nhận được sự trợ giúp như:

- Hội phụ nữ tại xã phường nơi người bị bạo hành sinh sống;

- Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở lao động thương binh và xã hội các tỉnh thành phố;

- Ngôi nhà Bình Yên (thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam), tổng đài 1900969680, địa chỉ cơ sở 1 tại số 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; cơ sở 2 tại Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng Sông Cửu Long, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.

- Một số các tổ chức phi chính phủ và tư nhân khác như:

+ Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại địa chỉ 304 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội;

+ Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (Light) địa chỉ lô 38 Ngõ 100 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội;

Ngoài ra, ở các tỉnh thành phố khác cũng sẽ có các trung tâm tư nhân tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành.

Bài viết trên đây hy vọng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về vấn đề bạo lực gia đình nói chung, qua đây mọi người có thể biết được "Bạo lực gia đình gọi số nào? Tố cáo bạo hành gia đình ở đâu?". Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp luật khác, xin hãy liên hệ tổng đài 1900.6199 để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X