Hành vi bạo lực học đường hiện nay rất phổ biến và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc. Vậy bạo lực học đường là như thế nào và làm cách nào để phòng, chống? Có thể thông báo, tố giác bạo lực học đường tại các cơ quan nào?
Bạo lực học đường là gì? Ví dụ về bạo lực học đường
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP, bạo lực học đường là hành vi gây tổn hại về tinh thần, thể chất của người học (học sinh, sinh viên, học viên…) xảy ra trong các cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập, gồm:
- Ngược đãi, đánh đập, hành hạ;
- Xâm hại sức khỏe, thân thể;
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, lăng mạ;
- Xua đuổi, cô lập và các hành vi cố ý khác...
Hiện nay tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra rất phổ biến trong các trường học và mà mối quan tâm của toàn xã hội khi cho con em học tập tại các cơ sở giáo dục có tình trạng bạo lực học đường.
Ví dụ:
- Đánh nhau trong trường học;
- Rủ rê, lôi kéo tập thể tẩy chay, cô lập bạn học;
- Lan truyền tin đồn thất thiệt, tiếng xấu nhằm bôi nhọ bạn học;
- Bắt bạn quỳ gối, tác động vật lý vào cơ thể bạn học, trấn lột tiền hoặc đồ dùng cá nhân…
Các hình thức bạo lực học đường
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có văn bản cụ thể về các hình thức của bạo lực học đường. Tuy nhiên, dựa trên hành vi thực tế, bạo lực học đường đang tồn tại dưới 4 hình thức cơ bản như sau:
- Bạo lực thể chất: gồm các hành vi tác động vật lý, đánh nhau, xé sách vở, quần áo, cố ý gây tổn thương cơ thể của nạn nhân một cách trực tiếp…
- Bạo lực tinh thần: Đây là hình thức bạo lực học đường rất phổ biến. Người khác sử dụng lời nói, ngôn từ, cử chỉ để lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, lợi dụng dư luận để đe dọa, gây ức chế tinh thần, ảnh hưởng tâm lý cho người bị bạo lực học đường.
Hành vi bạo lực tinh thần này rất khó nhận biết nếu nạn nhân không có biểu hiện khác thường, cũng không có tổn thương cơ thể, từ đó dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như trầm cảm, tự tử…
- Bạo lực tài chính: Là hình thức bạo lực thường gặp nhưng nhìn chung cũng có sự ảnh hưởng của 2 hình thức bạo lực tinh thần và thể chất, nhưng mục đích của người thực hiện hành vi bạo lực là tài sản, tiền bạc, đồ dùng cá nhân của nạn nhân, bắt nạn nhân phải phục tùng, vâng lời, giao nộp tài chính…
- Bạo lực tình dục: Hình thức bạo lực này cũng là một vấn đề nhức nhối trong xã hội bởi đa phần các hành vi bạo lực tình dục đều xuất phát từ đối tượng chưa đủ tuổi, chưa được giáo dục giới tính kỹ càng.
Bạo lực tình dục cũng có thể bắt nguồn từ lợi dụng tình cảm, bạo lực tinh thần của nạn nhân, sau đó là bạo lực thể chất, thông qua tình dục tác động vật lý lên nạn nhân.
Cách phòng chống bạo lực học đường
Theo Điều 6 Nghị định 80/2017/NĐ-CP, các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường hiện nay được quy định như sau:
* Cách phòng ngừa bạo lực học đường
- Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường đối với người học, giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục, cộng đồng, gia đình người học; về trách nhiệm phát hiện, tố giác, thông báo hành vi khi xảy ra bạo lực học đường; trong khả năng của bản thân phải có biện pháp can thiệp, ngăn ngừa kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường;
- Giáo dục, trang bị kỹ năng, kiến thức về phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống xâm hại người học; bạo lực trẻ em cho người học, nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục và gia đình người học, đặc biệt là trên môi trường mạng; tư vấn kiến thức, kỹ năng, giáo dục cách tự bảo vệ bản thân cho người học;
- Công khai kế hoạch, các kênh liên hệ, tiếp nhận thông tin, tố giác về phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục;
- Đặt ra nhiều phương pháp giáo dục tích cực, nói không với bạo lực học đường.
- Đối với thông tin về bạo lực học đường phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, thu thập, giám sát và xử lý kịp thời.
* Các biện pháp hỗ trợ người có nguy cơ bị bạo lực học đường
- Kịp thời phát hiện các hành vi gây gổ của người học, có nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường hoặc người học có nguy cơ bị bạo lực học đường;
- Đánh giá mức độ hình thức, nguy cơ bạo lực có thể xảy ra, từ đó đặt ra biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn cụ thể, phù hợp;
- Tổ chức tư vấn, tham vấn cho người có nguy cơ gây bạo lực hoặc bị bạo lực học đường nhằm loại bỏ, ngăn chặn nguy cơ xảy ra bạo lực.
* Làm thế nào để can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường?
Khi xảy ra bạo lực học đường, cần thực hiện các biện pháp sau đây để can thiệp, xử lý kịp thời:
- Đưa ra đánh giá sơ bộ, nhận định về mức độ tổn hại, tình trạng hiện thời của người học;
- Thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc y tế, trợ giúp, tư vấn; đánh giá, theo dõi sự an toàn của người bị bạo lực;
- Nhanh chóng, kịp thời thông báo cho gia đình người học để phối hợp xử lý; nếu vụ việc nằm ngoài khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an, UBND xã, phường, thị trấn, các cơ quan khác có liên quan để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.
Số hotline liên hệ phản ánh hành vi bạo lực học đường
Hành vi bạo lực học đường không chỉ diễn ra phổ biến ở thanh thiếu niên mà còn gây ảnh hưởng đến trẻ em. Vì vậy, các dường dây nóng mà người dân hoặc nạn nhân có thể liên hệ khi phát hiện, xảy ra bạo lực học đường gồm có:
- 111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em;
- 18001567 - Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;
- 18009069 - Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP. HCM;
- 1900545559 - Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TPHCM.
Trên đây là một số thông tin về thế nào là bạo lực học đường và cách phòng, chống bạo lực học đường theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc.
Nếu có thắc mắc liên quan đến hành vi bạo lực học đường, các vấn nạn trong trường học và cách giải quyết, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.