hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 14/03/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bao nhiêu tuổi thì được đăng ký sim điện thoại?

Việc đăng ký sim chính chủ để liên lạc là nhu cầu của nhiều người, tuy nhiên bao nhiêu tuổi thì được đăng ký sim điện thoại? Việc đăng ký sim điện thoại chính chủ nên thực hiện ở đâu cho uy tín và cần những thông tin gì?

Mục lục bài viết
  • Bao nhiêu tuổi được đăng ký sim chính chủ?
  • Đăng ký sim chính chủ ở đâu?
  • Đăng ký sim chính chủ cần giấy tờ gì?
  • Những thông tin đăng ký trên sim điện thoại
Câu hỏi: Cháu học lớp 10 muốn đăng ký sim chính chủ để dùng thì có được không ạ, hiện tại bây giờ cháu đang dùng sim của mẹ. Nếu được thì cháu đi đăng ký ở đâu ạ?

Bao nhiêu tuổi được đăng ký sim chính chủ?

Bao nhiêu tuổi thì được đăng ký sim chính chủ?

Sim chính chủ là thuật ngữ khá quen thuộc được sử dụng hàng ngày, có thể hiểu đơn giản là sim được đăng ký cho một cá nhân, cá nhân chính là chủ của số thuê bao di động đó. Sim này sẽ có đầy đủ thông tin của cá nhân, được đăng ký ngay khi mua sim, giúp đảm bảo hạn chế khỏi các trường hợp sử dụng sim lậu, lừa đảo, sử dụng sim trái phép,...

Căn cứ quy định tại Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP về việc ký kết hợp đồng sử dụng thông tin thuê bao điện thoại thì điều kiện chung để có thể đăng ký đó là:

- Cá nhân đăng ký giao kết hợp đồng: Tiến hành kiểm tra hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân vẫn còn thời hạn của công dân Việt Nam.

- Đối với cá nhân là người dưới 14 tuổi hoặc là người được giám hộ thì việc ký kết hợp đồng làm thuê bao di động sẽ do cha, mẹ của người này hoặc người giám hộ thực hiện thay.

Bên cạnh đó, các nhà mạng sẽ có quy định riêng đối với độ tuổi được đăng ký sim chính chủ. Thông thường sẽ là người đã đủ điều kiện làm CCCD (từ đủ 14 tuổi trở lên), nhưng cũng có một số nhà mạng phát hành loại sim dành cho học sinh với nhiều ưu đãi và giá thành phù hợp.

Tóm lại, thông qua quy định pháp luật và thực tế thì cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được tiến hành đăng ký sim chính chủ, đủ điều kiện ký kết hợp đồng thuê bao di động với các nhà mạng.

Ngoài ra, cá nhân dưới 14 tuổi vẫn được tạo điều kiện để sử dụng sim thông qua việc đăng ký chủ thuê bao là bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của người này.

Đăng ký sim chính chủ ở đâu?

Cũng theo quy định tại Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP thì việc đăng ký số điện thoại chính chủ chỉ được thực hiện tại những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông theo đúng quy định pháp luật, bao gồm các điểm sau:

- Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định (cố định) do doanh nghiệp viễn thông thiết lập tại các địa phương;

- Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động (cũng do doanh nghiệp viễn thông thiết lập) tại các điểm khác nhau (lưu động);

- Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền: Điểm có địa chỉ xác định, không phải do doanh nghiệp viễn thông thiết lập mà là doanh nghiệp được nhận ủy quyền từ doanh nghiệp viễn thông.

Như vậy, trên thực tế, công dân có thể đến các điểm giao dịch của Viettel, Vietnamobi, Mobifone hay Vinaphone,... tại địa phương mình để tiến hành đăng ký sim chính chủ tùy theo nhu cầu sử dụng nhà mạng nào của mình. Những điểm giao dịch trên được đặt cố định ở các địa điểm khác nhau và đều có địa chỉ cụ thể, có nhân viên hướng dẫn và hỗ trợ cá nhân đăng ký sim chính chủ.

Đăng ký sim chính chủ cần giấy tờ gì?

Đăng ký sim chính chủ cần giấy tờ gì?

Thông qua quy định tại Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP và thực tế tiến hành việc đăng ký sim chính chủ, người đăng ký cần chuẩn bị (i) căn cước công dân: Sử dụng bản sao có công chứng/chứng thực hoặc bản ảnh 2 mặt của CCCD nhằm cung cấp thông tin cá nhân một cách chính xác nhất và (ii) ảnh chân dung rõ nét, theo kích thước đúng với yêu cầu của nhà mạng.

Về cơ bản có thể thấy những giấy tờ cần chuẩn bị khá đơn giản nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác danh tính của người đăng ký sim chính chủ và không đăng ký sim hộ người khác.

Việc đăng ký sim có thể tiến hành trực tiếp tại các điểm bán sim (điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các nhà mạng) hoặc tiến hành đăng ký online ngay sau khi mua sim.

Những thông tin đăng ký trên sim điện thoại

Theo Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP thì trên sim chính chủ sẽ có những thông tin sau đây:

- Thông tin số thuê bao và đối tượng sử dụng thuê bao (sim) đó;

- Thông tin của cá nhân đăng ký sim chính chủ, bao gồm các thông tin là: họ và tên người dùng; ngày tháng năm sinh của người này; quốc tịch; số giấy tờ tùy thân cùng thời gian và cơ quan cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người này - nếu là người có quốc tịch Việt Nam;

- Thông tin trên giấy tờ của tổ chức, bao gồm các thông tin là:  tên; địa chỉ trụ sở giao dịch (ghi cụ thể); thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân (của tổ chức) đến giao kết hợp đồng và thông tin trên giấy tờ tùy thân (tên, ngày tháng năm sinh, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ) của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao mà tổ chức giao cho mỗi cá nhân này sử dụng;

- Bản số hóa toàn bộ các thông tin giấy tờ của cá nhân, hoặc tổ chức đã xuất trình khi họ đến giao kết hợp đồng theo mẫu và theo điều kiện giao dịch chung mà pháp luật quy định;

- Ảnh chụp chân dung người trực tiếp đến giao kết hợp đồng; bản số hóa bản xác nhận thông tin của thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (nếu là dịch vụ viễn thông di động trả trước);

- Hình thức thanh toán giá cước di động (hình thức trả trước hoặc trả sau);

- Thông tin nhân viên giao dịch (họ tên nhân viên); thời gian tiến hành việc giao kết hợp đồng; thời gian cụ thể mỗi lần cập nhật thông tin thuê bao; thông tin địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm đã cung cấp dịch vụ viễn thông.

Bài viết trên đây đã giải đáp cho các bạn về vấn đề “Bao nhiêu tuổi được đăng ký sim điện thoại”.

Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số  19006192 để hỗ trợ, giải đáp

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X