hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 07/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định về việc bảo vệ bí mật Nhà nước như thế nào?

Mỗi quốc gia đều có những bí mật không thể tiết lộ, không thể công khai rộng khắp. Vậy như thế nào là bí mật Nhà nước? Bí mật Nhà nước được bảo vệ như thế nào? Và các hành vi nào bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện bảo vệ bí mật Nhà nước?

 

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, tôi có nghe qua đài phát thanh và nhận thấy có nhiều thông tin được liệt kê là bí mật Nhà nước và được bảo vệ. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hiểu rõ về một số vấn đề xoay quanh vấn đề này, mong HieuLuat giải đáp cho tôi những vấn đề sau đây:

1. Bí mật Nhà nước được quy định ở đâu? Hiểu thế nào cho đúng?

2. Hành vi nào bị pháp luật nghiêm cấm trong việc bảo vệ bí mật Nhà nước?

Cảm ơn HieuLuat đã giải đáp các thông tin tôi đang thắc mắc.

Hiểu thế nào là bí mật Nhà nước?

Đầu tiên, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 là văn bản pháp lý hiện có hiệu lực thi hành quy định về các vấn đề của bí mật Nhà nước, bảo vệ bí mật Nhà nước.

Theo đó, khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 định nghĩa bí mật Nhà nước như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Từ đây có thể nhận thấy một số đặc điểm của bí mật Nhà nước như sau:

- Bí mật Nhà nước tồn tại dưới là tập hợp những thông tin;

- Không phải mọi thông tin đều là bí mật Nhà nước mà chỉ những thông tin có nội dung quan trọng mà do người đứng đầu những cơ quan/tổ chức có thẩm quyền xác định dựa trên những tiêu chí của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 (thường phải là các cơ quan, tổ chức của Nhà nước) mới là bí mật Nhà nước;

- Những thông tin trên phải chưa được công khai và nếu các thông tin trên bị lộ thì nguy hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Một số ví dụ về bí mật Nhà nước có thể dễ nhận thấy như các thông tin trọng yếu về quốc phòng an ninh, các thông tin về hoạt động phòng thủ đất nước/ bảo vệ Tổ quốc/an ninh quốc gia hoặc đảm đảm trật tự trị an trong nước…

Chính vì tính chất đặc biệt quan trọng mà bí mật Nhà nước được bảo vệ nghiêm ngặt. Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 quy định nguyên tắc bảo vệ bí mật Nhà nước tại Điều 3 như sau:

Một là, việc bảo vệ bí mật Nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước và phải phục vụ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời, bảo vệ bí mật Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Hai là, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước là của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Ba là, việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;

Bốn là, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chủ động thực hiện phòng ngừa, kịp thời phát hiện, tiến hành ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước theo thẩm quyền;

Năm là, bí mật nhà nước được bảo vệ trong thời hạn nhất định, thời hạn này được quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.

=> Đây là 05 nguyên tắc bảo vệ bí mật Nhà nước mà mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tuân thủ.

Như vậy, bí mật Nhà nước được định nghĩa trong Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 và việc bảo vệ bí mật Nhà nước phải được thực hiện theo 05 nguyên tắc mà chúng tôi đã nêu trên.

bao ve bi mat nha nuoc


Hành vi nào bị nghiêm cấm khi bảo vệ bí mật Nhà nước?

Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, cụ thể gồm các hành vi sau đây:

Một là, nghiêm cấm hành vi làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước. Nghiêm cấm hành vi làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước;

Hai là, nghiêm cấm hành vi thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật hoặc sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật của bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào;

Ba là, nghiêm cấm hành vi mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật;

Bốn là, nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước hoặc sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Năm là, nghiêm cấm mọi hành vi soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet/ mạng máy tính/mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu;

Sáu là, nghiêm cấm hành vi truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.

Bảy là, nghiêm cấm các hành vi chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.

Tám là, nghiêm cấm hành vi sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.

Chín là, nghiêm cấm hành vi đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Kết luận: Pháp luật quy định 09 hành vi bị cấm thực hiện trong công cuộc bảo vệ bí mật Nhà nước. Mọi hành vi vi phạm các điều cấm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về bảo vệ bí mật nhà nước​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X