hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 11/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Năm 2023, quỹ BHYT có chi trả ung thư không?

BHYT chính là “phao cứu sinh”, là “bệ đỡ” an toàn cho mọi công dân trong quá trình khám chữa bệnh, nhất là khi phải điều trị bệnh nặng, kéo dài. Vậy hiện nay quỹ BHYT có chi trả ung thư không?

Mục lục bài viết
  • Quỹ BHYT có chi trả ung thư không?
  • Mức hưởng BHYT cho bệnh nhân ung thư năm 2023 là bao nhiêu?
  • Trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến
  • Trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến
  • Tầm soát ung thư có được bảo hiểm y tế chi trả không?

Quỹ BHYT có chi trả ung thư không?

Câu hỏi: Chào Hieuluat, vợ tôi vừa mới phát hiện ra bị ung thư tuyến giáp. Vợ tôi có BHYT thì có được chi trả khi khám, chữa u giáp không?

Theo Thông tư 46/2016/TT-BYT, ung thư là các bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Hiện nay, chưa có quy định riêng về chế độ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân ung thư.

Rất nhiều người hiện vẫn chưa rõ BHYT có chi trả ung thư không. Để trả lời câu hỏi này, ta cần căn cứ Điều 21 Luật BHYT 2008 và khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi Luật BHYT 2014. Cụ thể, công dân tham gia BHYT sẽ được thanh toán những khoản chi phí sau:

- Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng;

- Khám thai định kỳ, sinh con;

- Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trong trường hợp cấp cứu hoặc trường hợp chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật khi đang điều trị nội trú.

Như vậy, ung thư không thuộc trường hợp bệnh không được bảo hiểm y tế thanh toán, do vậy BHYT có chi trả ung thư.

Rất nhiều người chưa rõ liệu quỹ BHYT có chi trả ung thư không?
Rất nhiều người chưa rõ liệu quỹ BHYT có chi trả ung thư không?

Mức hưởng BHYT cho bệnh nhân ung thư năm 2023 là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào Hieuluat! Cô mình đang bị u vú phải xạ trị và được chi trả 40% chi phí. Nhưng mình biết có những người khác cũng điều trị u vú mà được bảo hiểm thanh toán ở mức cao hơn.
Vậy bình thường thì BHYT chi trả bao nhiêu % viện phí cho người bị ung thư? Xin cảm ơn Hieuluat! (Vũ Hoàng - Bình Định)

Mức chi trả BHYT dành cho bệnh nhân ung thư hiện nay được áp dụng theo khoản 15 Điều 1 Luật BHYT 2014 sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật BHYT 2008 như sau:

Trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến

Bệnh nhân sẽ được Quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi BHYT chi trả với tỷ lệ:

- Miễn toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho những đối tượng sau: công an, bộ đội, cựu chiến binh, người có công với cách mạng; hộ nghèo, trẻ em dưới 06 tuổi; người tham gia BHYT 05 năm liên tục và có mức chi phí khám chữa bệnh trong năm vượt quá 06 tháng lương cơ sở…

- 95% chi phí khám chữa bệnh cho: người có lương hưu, trợ cấp mất sức; người thuộc hộ cận nghèo…

- 80% chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng khác.

Trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến

Nếu bệnh nhân tự đi khám vượt tuyến, sai tuyến thì chỉ được thanh toán theo mức hưởng đúng tuyến với các tỷ lệ nhất định:

- Bệnh viện tuyến Trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;

- Bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trên phạm vi toàn quốc;

- Bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám chữa bệnh.

Có thể nói, mức chi trả BHYT cho bệnh nhân ung thư theo quy định hiện nay phụ thuộc vào việc người đó thuộc nhóm đối tượng nào, khám đúng tuyến hay trái tuyến. Trong trường hợp cô bạn đủ điều kiện nâng mức hưởng BHYT, có thể làm thủ tục điều chỉnh để được hưởng nhiều quyền lợi hơn.

Hiện nay, Nhà nước còn hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh ung thư. Cụ thể, bệnh nhân nghèo được hỗ trợ chi phí với phần phải trả từ 01 triệu đồng/đợt khám chữa bệnh. Trường hợp người đó có thẻ BHYT, được thanh toán với phần đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên.

(Căn cứ: khoản 4 Điều 4 Quyết định 139/2002/QĐ-TTg và khoản 3 Điều 1 Quyết định 14/2012/QĐ-TTg)

Mức hưởng BHYT cho bệnh nhân ung thư là bao nhiêu?

Mức hưởng BHYT cho bệnh nhân ung thư là bao nhiêu?

Mức hỗ trợ này sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định dựa trên ngân sách Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương.

Ví dụ tại Bình Định quê bạn, bệnh nhân ung thư sẽ được hỗ trợ theo hướng dẫn tại Quyết định số 62/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh có hiệu lực kể từ 18/09/2020 với mức như sau:

- Người bệnh không có thẻ BHYT:

+ Từ 01 - 05 triệu đồng: Hỗ trợ 20%;

+ Trên 05 - 10 triệu đồng: Hỗ trợ 30%;

+ Trên 10 triệu đồng: Hỗ trợ 40%.

(Mức hỗ trợ tối đa: 40 triệu đồng/người/năm)

- Người bệnh có tham gia BHYT:

+ Từ 100.000 - 05 triệu đồng: Hỗ trợ 40% phần đồng chi trả;

+ Trên 05 - 10 triệu đồng: Hỗ trợ 50% phần đồng chi trả;

+ Trên 10 triệu đồng: Hỗ trợ 60% phần đồng chi trả.

(Mức hỗ trợ tối đa: 40 triệu đồng/người/năm)

Tầm soát ung thư có được bảo hiểm y tế chi trả không?

Câu hỏi: Chào Hieuluat, tôi là sĩ quan bộ đội, năm nay 40 tuổi. Tôi muốn đi tầm soát, phát hiện ung thư sớm thì có được bảo hiểm y tế chi trả không?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 70/2015 và khoản 15 Điều 1 Luật BHYT 2014 sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật BHYT 2008, sĩ quan quân đội tại ngũ là đối tượng được tham gia BHYT và sẽ được chi trả 100% chi phí theo bảo hiểm khi khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, tầm soát ung thư (khám để phát hiện ung thư sớm) không thuộc Danh mục thuốc và dịch vụ mà BHYT chi trả ban hành kèm theo Thông tư 20/2022 của Bộ Y tế. Như vậy, khi đi tầm soát ung thư, người dân vẫn phải thanh toán chi phí khám, chữa cũng như sử dụng dịch vụ tại cơ sở khám chữa bệnh.

Trên đây là một số nội dung liên quan thắc mắc BHYT có chi trả ung thư không? Nếu còn câu hỏi khác, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X