hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 12/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hiện nay, bị Covid có phải cách ly nữa không?

Những ngày gần đây số ca Covid đang tăng nhanh trở lại, đặc biệt ở một số tỉnh phía Bắc. Như vậy, theo quy định hiện nay thì bị Covid có phải cách ly nữa không?

Câu hỏi: Tôi thấy hiện nay dịch Covid đang quay trở lại, tôi năm ngoái đã bị rồi nhưng cũng không chắc chắn mình có bị lại nữa hay không? Vì tôi thấy có người bị tới 2 – 3 lần. Cho tôi hỏi hiện nay, nếu bị covid thì có phải cách ly nữa không?

Bị Covid có phải cách ly nữa không?

Chào bạn, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có văn bản mới quy định về việc cách ly, điều trị chăm sóc khi bị Covid Văn bản gần nhất là Công văn 1909/BYT-DP năm 2022 của Bộ Y tế (hiện vẫn đang có hiệu lực) đã hướng dẫn rằng đối với ca bệnh giám sát, ca bệnh xác định thì phải thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm, cách ly, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó:

Ca bệnh giám sát là người có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện triệu chứng sốt và ho; hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi… Hoặc là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2

Ca bệnh xác định là một trong số các trường hợp sau:

- Có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid bằng phương pháp RT-PCR

- Có triệu chứng lâm sàng và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

- Có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Như vậy, nếu thuộc trường hợp là ca bệnh giám sát hay ca bệnh xác định thì phải thực hiện biện pháp phòng lây nhiễm, cách ly, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc theo đúng quy định. Và cũng tùy trường hợp cụ thể mà có thể điều trị, cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế.

hiện nay bị covid có phải cách ly nữa khôngBị Covid có phải cách ly nữa không là băn khoăn của nhiều người.

Đối với người tiếp xúc gần (trước đây gọi là F1) thì trong Công văn 1909 quy định rằng trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F0, người xác định là F1 phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp y tế sau:

Thứ nhất, phải bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác; tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người.

Thứ hai, phải tự theo dõi sức khỏe (riêng trẻ em, học sinh thì cha mẹ/người giám hộ/giáo viên theo dõi sức khỏe), khi có triệu chứng của bệnh (sốt và ho; hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng…) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Và thứ ba là khi có kết quả dương tính với Covid phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn cũng như chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm theo quy định.

Để biết thông tin chính xác, cụ thể bạn có thể liên hệ cơ quan y tế nơi địa phương mình đang sinh sống.

Covid-19 sẽ trở thành bệnh lưu hành? 

Theo TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thì, Covid 19 sẽ không biến mất như dịch bệnh SARS vào năm 2003 và cần phải tính toán các hoạt động phòng chống dịch như thế nào khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, dù Covid-19 có trở thành bệnh lưu hành giống như cúm mùa thì người dân vẫn phải tiêm vắc xin, vì thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong do Covid.

Cũng theo ông Phu thì nếu Covid 19 nếu không xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, kháng lại các vắc xin đang sử dụng và Việt Nam quản lý được số mắc ổn định, hệ thống y tế không bị quá tải, số ca chuyển nặng, tử vong không nhiều thì dần dần dịch Covid 19 được gọi là kiểm soát ổn định.

Ngoài ra, người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng như đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, đồng thời cũng không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ.

Mặt khác, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác; chú ý bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền và tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trên đây là thông tin về vấn đề Bị Covid có phải cách ly nữa không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn kịp thời.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X