hieuluat
Chia sẻ email

Bị khóa cửa cách ly khi về quê ăn Tết, khiếu nại thế nào?

Theo phản ánh của người dân, gần đây, nhiều địa phương đã tiến hành cách ly người dân về quê ăn Tết bằng cách khóa cổng, không cho ai ra vào và cầm chìa khóa khiến người dân "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Câu hỏi: Em đang làm công nhân tại TP.HCM. Biết được ở quê cách ly người về từ TP.HCM em đã xin về trước 3 tuần để thực hiện cách ly nhưng trạm y tế khóa trái cửa nhốt cả nhà em bên trong. Em muốn khiếu nại thì phải gửi yêu cầu tới cơ quan nào?

Xã khóa cửa người về quê ăn Tết có đúng luật?

Hiến pháp năm 2013 quy định:

Điều 23.

Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Như vậy, công dân có quyền tự do đi lại, cư trú và chỉ bị hạn chế trong trường hợp cần thiết như vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, sức khỏe của cộng đồng...

Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

Có thể việc cách ly y tế người từ địa phương khác về theo quy định của chính quyền địa phương (dù quy định này có thể chưa đúng theo tinh thần Nghị quyết 128), tuy nhiên, vViệc khóa cửa nhà người dân về quê ăn Tết có dấu hiệu vi phạm các quyền về tự do cư trú và đi lại của người dân.

Theo các quy định hiện hành, cơ quan có thẩm quyền chỉ được phép hạn chế quyền tự do đi lại của người dân bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự như bắt giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc xuất cảnh, và đặc biệt không có quy định nào cho phép khóa cửa nhà dân. 

Vì thế, dù việc khóa cửa được người dân chấp thuận, chính quyền xã vẫn không được thực hiện.

Hơn nữa, biện pháp "khóa cửa, giữ chìa" còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy hoặc nếu nhà dân có người cần cấp cứu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tín mạng, tài sản của người dân.

khieu nai khi bi khoa cua cach ly
Nhiều nơi tiến hành khóa cổng gia đình có người từ nơi khác về (Ảnh minh họa)

Bị khóa cửa cách ly khi về quê ăn Tết, khiếu nại thế nào?

Mặc dù nhiều địa phương thông tin rằng việc khóa cửa là do người dân tự nguyện nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp địa phương khóa cửa vì lo sợ người cách ly không tuân thủ quy định cách ly, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Theo Luật Khiếu nại 2011:

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khi việc khóa cửa cách ly trong nhà là không tự nguyện, người dân nhận thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại có thể thực hiện quyền khiếu nại.

Theo Điều 7 Luật Khiếu nại, bạn có thể khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Nghĩa là bạn có 2 lựa chọn:

- Khiếu nại đến nhân viên y tế đã khóa trái cửa gia đình hoặc trạm y tế cấp xã nơi có nhân viên thực hiện hành vi này;

- Hoặc ngay lập tức khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án nhân dân cấp huyện.

Nếu bạn vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết (không quá 45 ngày từ ngày được thụ lý) thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện) hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật ố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết (không quá 60 ngày từ ngày thụ lý) thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Giải quyết khiếu nại: Cơ quan, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính trái quy định phải chấm dứt ngay hành vi này và bồi thường thiệt hại cho bạn (nếu có).

Trên đây, chúng tôi đã hướng dẫn bạn cách khiếu nại khi bị khóa cửa cách ly. Nếu bạn vẫn chưa thực hiện được quyền khiếu nại của mình hoặc không hài lòng với kết quả giải quyết khiếu nại, hãy gọi ngay tới  19006199 để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi.

>> Về quê ăn Tết, người dân cách ly 7 hay 14 ngày?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X