hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 10/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bị mất giấy khai sinh bản chính, cần phải làm gì?

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc, do đó trường hợp làm mất giấy khai sinh bản chính sẽ gây nhiều bất lợi khi người dân muốn thực hiện các thủ tục và cần xác nhận thông tin cá nhân. Vậy, nếu bị mất giấy khai sinh bản chính, cần phải làm gì?

Câu hỏi: Hôm vừa rồi tôi có chuyển sang nhà mới, do để lẫn vào đống đồ cũ nên các giấy tờ đã bị mất, trong đó có cả giấy khai sinh của con tôi (năm nay 14 tuổi). Mà sắp tới con tôi làm thủ tục để xin cấp hộ chiếu để đi du học. Vậy giờ con tôi phải làm gì? Có được xin cấp lại giấy khai sinh bản chính không?

Việc làm mất, hỏng… giấy khai sinh bản chính không phải là hiếm gặp. Khi rơi vào tình trạng này, người dân không cần quá lo lắng bởi theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam 2019, giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước, trong đó có Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi.

Do vậy, khi bị mất giấy khai sinh bản chính, con bạn vẫn có thể sử dụng bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục giấy khai sinh để làm hộ chiếu. Cụ thể:

Yêu cầu cấp trích lục giấy khai sinh

Trường hợp bản chính giấy khai sinh đã bị mất nhưng vẫn còn thông tin trong sổ hộ tịch thì có quyền yêu cầu cấp trích lục giấy khai sinh. Theo đó, Điều 64 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

2. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp trích lục giấy khai sinh gồm:

- Đơn xin trích lục giấy khai sinh;

- Xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh như: Hộ chiếu; chứng minh nhân dân; thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác

- Trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ trên, người có yêu cầu trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

Hiện nay, để tạo thuận lợi khi làm thủ tục xin cấp trích lục giấy khai sinh, người dân có thể làm thủ tục xin cấp trích lục giấy khai sinh online qua Cổng Dịch vụ công của địa phương.

Ví dụ, ở Hà Nội, bạn truy cập vào cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội: https://dichvucong.hanoi.gov.vn/ . Sau đó, lần lượt thực hiện các tháo tác:

- Tại cấp thực hiện loại dịch vụ công, chọn cấp Phường Xã, Thị trấn; chọn mục Hộ tịch; sau đó chọn mục Cấp bản sao trích lục hộ tịch và Thực hiện.

- Điền các thông tin theo yêu cầu trên Tờ khai cấp bản sao trích lục khai sinh, đính kèm tài liệu theo yêu cầu.

- Sau khi gửi yêu cầu, Cổng thông tin sẽ gửi thông báo đăng ký thành công bằng tin nhắn vào số điện thoại và Email của người yêu cầu.

Nếu hồ sơ hợp lệ đầy đủ, người yêu cầu sẽ nhận được thông báo tiếp nhận từ bộ phận tiếp nhận trả kết quả và kèm thời gian trả kết quả, kết quả nhận tại Ủy ban nhân dân xã, phường.

Bị mất giấy khai sinh bản chính, cần phải làm gì? (Ảnh minh họa)


Làm thủ tục đăng ký lại khai sinh

Để làm thủ tục đăng ký lại khai sinh cần có các điều kiện sau:

- Đã đăng ký khai sinh tại Việt Nam trước ngày 01/01/2016;

- Sổ hộ tịch và bản chính giấy khai sinh đều bị mất;

- Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải còn sống tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

- Nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc đăng ký khai sinh, gồm:

+ Tờ khai đăng ký lại khai sinh theo mẫu;

+ Bản sao Giấy khai sinh được cấp hợp lệ; Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.

+ Trường hợp người yêu cầu không có giấy tờ nêu trên thì phải nộp bản sao giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ như: CMND/CCCD/Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú; Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, hồ sơ học tập do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận; giấy tờ khác có thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân.

+ Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký lại khai sinh.

Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.

Tóm lại, trường hợp con bạn bị mất giấy khai sinh có thể xin cấp trích lục khai sinh hoặc làm lại giấy khai sinh để thực hiện các thủ tục khi cần thiết.

Nếu bạn còn vướng mắc về các vấn đề liên quan đến Giấy khai sinh bản chính, có thể liên hệ hotline  19006199 để được hỗ trợ.

>> Bản sao Giấy khai sinh có thời hạn bao lâu? Công chứng được không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X