hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 29/01/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không ký hợp đồng lao động, bị công ty nợ lương phải làm gì?

Tình trạng nợ lương nhân viên xảy ra ở không ít công ty. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người lao động. Vậy, trường hợp không ký hợp đồng lao động mà công ty nợ lương thì người lao động có đòi được không?

Câu hỏi: Mình không có hợp đồng lao động cũng như giấy tờ chứng minh cụ thể số lương của mình, nhưng công ty hứa hẹn trả lương nhưng vẫn hứa rồi lại hẹn. Không biết phải giải quyết như thế nào? Mong sớm nhận được giải đáp ạ.

Không ký hợp đồng lao động, bị nợ lương có đòi được không?

Tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Theo đó, hợp đồng lao động có thể giao kết theo 03 hình thức sau (Điều 14 Bộ luật Lao động 2019):

- Giao kết bằng văn bản;

- Giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu;

- Giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.

Theo bạn trình bày, có thể hiểu bạn làm công việc có thời hạn dưới 01 tháng nên giữa các bên tiến hành  ký hợp đồng lao động bằng lời nói. Tuy nhiên, trường hợp làm việc trên 01 tháng mà công ty không ký hợp đồng lao động bằng văn bản với bạn là không đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, nếu giữa công ty và bạn đã thỏa thuận về việc làm có trả lương và bạn phải chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của công ty, thì giữa bạn và hàng đã xác lập và thực hiện hợp đồng lao động và quan hệ lao động mà không phụ thuộc vào việc giữa các bên có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản hay không.

Vì vậy, bạn sẽ được coi là người lao động, và được đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng thỏa thuận giữa các bên và quy định của Bộ luật Lao động, trong đó có quyền được hưởng lương đầy đủ, đúng hạn.

Mặt khác, khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định:

"Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày".

Theo các quy định này, thì việc công ty khi chấm dứt hợp đồng lao động đã không trả lương cho bạn là vi phạm các quy định của pháp luật.

Do đó, bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra Toà án, để yêu cầu bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn theo đúng quy định của pháp luật.

Bị nợ lương nhưng không ký hợp đồng lao động, phải làm gì? (Ảnh minh họa)


Người lao động cần làm gì để đòi lại quyền lợi của mình?

Để đòi lại quyền lợi cho mình, người lao động có thể sử dụng một trong các cách sau đây để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Cách 1: Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương

Cách 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Căn cứ Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, việc khiếu nại tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ được tiếp nhận sau khi đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó.

Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.

Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý; Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.

Cách 3: Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động

Theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động (căn cứ Điều 188 BLLĐ năm 2019).

Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết

Cách 4: Giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động

Theo Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019, cách này được tiến hành sau khi đã trải qua bước hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động. Đồng thời chỉ giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn.

Thời hiệu yêu cầu: 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm.

Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập.

Quyết định của Ban trọng tài lao động về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Cách 5: Khởi kiện tại Tòa án

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.

Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.

Lưu ý: Do trường hợp của bạn không có hợp đồng lao động nên có thể quá trình yêu cầu giải đòi quyền lợi sẽ tương đối khó khăn. Bạn nên chuẩn bị sẵn các tài liệu, chứng cứ liên quan đến thỏa thuận công việc để làm chứng cứ như: Ảnh chụp tin nhắn, mail,…

Trên đây là thông tin về Không ký hợp đồng lao động bị nợ lương phải làm gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Ký hợp đồng lao động điện tử thế nào để hợp pháp?

Có thể bạn quan tâm

X