Hiện nay, có nhiều người đã bị thu hồi sổ hộ khẩu, nếu chưa bị thu hồi thì loại sổ này cũng chỉ tồn tại và có giá trị đến ngày 31/12/2022. Trong trường hợp sổ hộ khẩu bị thu hồi thì người dân làm Căn cước công dân gắn chip thế nào?
Bị thu hồi Sổ hộ khẩu trong những trường hợp nào?
Chào bạn, khoản 2, Điều 26, Luật Cư trú 2020 quy định khi công dân thực hiện các thủ tục sau cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, cụ thể là khi:
- Đăng ký thường trú
- Điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, gồm: tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Sau khi thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, cơ quan đăng ký lưu trú sẽ thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú, đồng thời không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Bên cạnh đó, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm chuyển Sổ hộ khẩu đã thu hồi kèm hồ sơ đăng ký cư trú vào tàng thư hồ sơ cư trú và bảo quản, lưu trữ Sổ tạm trú đã thu hồi theo quy định.
Theo khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú 2020 nếu không nằm trong các trường hợp bị thu hồi nêu trên thì thì Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng, có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định cho đến hết ngày 31/12/2022.
Bị thu hồi Sổ hộ khẩu làm CCCD gắn chip thế nào?
Như vậy, có thể thấy, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú dẫn đến việc thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu thì sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu. Vậy nếu bị thu hồi sổ hộ khẩu thì làm CCCD gắn chíp thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA, sau khi tiếp nhận đề nghị cấp CCCD của công dân, cán bộ tiếp nhận tiến hành tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Nếu thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:
+ Nếu thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
+ Nếu thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
+ Nếu thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Như vậy, theo quy định trên nếu chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh khi làm CCCD gắn chíp.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định khi cơ quan đăng ký cư trú thu hồi Sổ hộ khẩu thì phải điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, cũng như không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu.
Như vậy, trường hợp sổ hộ khẩu đã bị thu hồi và thông tin của công dân đã có sẵn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người đó vẫn làm được CCCD gắn chip.
Và khi bị thu hồi sổ hộ khẩu, người làm CCCD gắn chip cần mang theo:
- Chứng minh nhân dân (CMND) đã được cấp đối với người đổi từ CMND qua CCCD
- CCCD mã vạch đã được cấp đối với người đổi từ CCCD mã vạch qua CCCD gắn chip
- Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác trong trường hợp thông tin công dân khai trên tờ khai đề nghị cấp CCCD gắn chip có thay đổi so với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
HieuLuat vừa giải đáp thông tin về việc bị thu hồi sổ hộ khẩu làm CCCD gắn chip thế nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Phải làm gì ngay trước khi Sổ hộ khẩu giấy bị xóa bỏ?