Khi tham gia giao thông, hiểu ý nghĩa của các biển báo là điều bắt buộc. Vậy biển cấm dừng, cấm đỗ trông như thế nào? Biển báo cấm dừng có được đỗ xe không?
Biển cấm dừng là gì? Trông như thế nào?
Khi tham gia giao thông, hiểu các loại biển báo, trong đó có biển báo cấm là điều bắt buộc đối với tất cả mọi người.
Biển cấm dừng (tên đầy đủ: biển báo cấm dừng và đỗ xe) có dạng hình tròn, nền màu xanh dương, có 02 vạch kẻ chéo màu đỏ. Biển báo này có màn phản quang, làm từ tôn mạ kẽm và đặt tại các địa điểm cấm phương tiện tham gia giao thông dừng và đỗ xe.
Biển cấm dừng cấm đỗ P.130 (Ảnh minh họa)
Dựa vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT, biển này có số hiệu P.130.
Trên thực tế, rất nhiều người nhầm biển này với biển cấm đỗ xe.
Tuy nhiên, theo quy chuẩn nêu trên, biển cấm đỗ xe gồm 03 loại biển báo con: biển 131a, 131b, 131c.
Biển P.131a
Biển cấm đỗ xe P.131a ở góc phải (Ảnh minh họa)
Biển này có ý nghĩa: Nghiêm cấm tất cả các phương tiện giao thông (trừ các phương tiện ưu tiên) đỗ xe tại đoạn đường có lắp đặt biển báo này.
Biển P.131b
Biển cấm đỗ xe ngày lẻ P.131b (Ảnh minh họa)
Ý nghĩa: cấm các phương tiện (trừ xe ưu tiên) đỗ xe ngày lẻ. Phía dưới biển này sẽ có chú thích cấm đỗ xe ngày lẻ.
Biển P.131c
Biển cấm đỗ xe ngày chẵn P.131c (Ảnh minh họa)
Ý nghĩa: cấm các phương tiện (trừ xe ưu tiên) đỗ xe vào ngày chẵn. Phía dưới biển này sẽ có chú thích cấm đỗ xe ngày chẵn.
Biển báo cấm dừng có được đỗ xe không? Nếu đỗ có bị phạt không?
Biển báo cấm dừng có được đỗ xe không? (Ảnh minh họa)
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT (Thông tư số 54 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải), biển P.130 cấm dừng cấm đỗ có ý nghĩa là cấm tất cả các phương tiện (trừ xe ưu tiên) được dừng và đỗ ở phía đường đặt biển này. Do vậy bạn không được đỗ xe tại khu vực có biển cấm dừng cấm đỗ.
Nếu vi phạm, người tham gia giao thông sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, cụ thể:
- Đối với xe máy, phạt từ 300.000 – 400.000 đồng đối với một trong số các hành vi:
- Đỗ xe tại nơi có biển cấm dừng cấm đỗ hoặc biển cấm đỗ xe;
- Dừng xe tại nơi có biển cấm dừng cấm đỗ.
- Đối với ô tô:
- Phạt từ 400.000 – 600.000 đồng nếu có hành vi dừng xe tại nơi có đặt biển cấm dừng cấm đỗ;
- Phạt đến 1 triệu đồng đối với ô tô đỗ xe tại nơi có đặt biển cấm đỗ hoặc biển cấm dừng cấm đỗ.
Như vậy đối với câu hỏi Biển báo cấm dừng có được đỗ xe không?, câu trả lời cuối cùng là không.
Đỗ xe dưới gầm cầu vượt có sai quy định không?
Điều 18 của Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định:
- Dừng xe: trạng thái mà phương tiện giao thông đứng yên trong khoảng thời gian nhất định để người đó có thể lên – xuống, thực hiện xếp – dỡ hàng…
- Đỗ xe: trạng thái mà phương tiện giao thông đứng yên mà không giới hạn thời gian
Như vậy có thể hiểu rằng, việc dừng xe chỉ là trạng thái đứng yên tạm thời có mục đích của người tham gia giao thông. Sau khi để thực hiện xong thì người đó và xe sẽ rời đi. Trong trường hợp của bạn, chúng tôi hiểu rằng bạn chỉ tạm dừng xe chứ không đỗ xe.
Tuy nhiên nội dung Điều khoản này cũng nêu rõ, gầm cầu vượt là một trong những địa điểm mà người tham gia giao thông không được đỗ hoặc thậm chí là dừng xe.
Cho nên, dừng xe hay đỗ xe dưới gầm cầu vượt đều là sai quy định. Hành vi xử phạt của anh CSGT trong tình huống trên là đúng.
Trên đây là một số giải đáp về thắc mắc biển báo cấm dừng có được đỗ xe không. Nếu còn thắc mắc, xin mời bạn đọc liên hệ 19006192 và cùng trao đổi thêm với chúng tôi.