hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 01/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ý nghĩa của biển cấm đi ngược chiều

Biển cấm đi ngược chiều là một trong những biển báo phổ biến. Cùng tìm hiểu các quy định về biển cấm đi ngược chiều hiện nay qua bài viết sau.

Mục lục bài viết
  • Biển cấm đi ngược chiều là biển nào?
  • Biển cấm đi ngược chiều có được quay đầu xe không?
  • Biển cấm đi ngược chiều có được rẽ trái không?
  • Đi ngược chiều bị phạt như thế nào?
Câu hỏi: Chào Luật sư! Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi ý nghĩa của biển cấm đi ngược chiều, khi gặp biển cấm đi ngược chiều có được quay đầu xe hay rẽ trái không?

Biển cấm đi ngược chiều là biển nào?

Tương tự như các loại biển báo cấm khác, biển cấm đi ngược chiều cũng có dạng hình tròn với hai màu sắc đặc trưng là đỏ và trắng. Cụ thể, biển báo giao thông này có nền đỏ và ở giữa có một gạch ngang màu trắng.

Biển cấm đi ngược chiều là biển nào?

Trong hệ thống biển báo giao thông đường bộ, biển cấm đi người chiều được ký hiệu là P.102 theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT.

Về chất liệu: biển cấm đi ngược chiều được thường được làm bằng tôn mạ kẽm, có màng phản quang. Do đó, trong điều kiện trời tối hoặc thời tiết xấu, người tham gia giao thông vẫn có thể nhìn thấy được biển báo. 

Về vị trí đặt biển báo: Biển cấm đi ngược chiều thường được đặt ở đầu các tuyến đường một chiều.

Về ý nghĩa của biển báo: Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT thì biển cấm đi ngược chiều có ý nghĩa như sau:

- Cấm các loại xe bao gồm xe cơ giới xe thô sơ đi vào theo chiều đặt biển. Điều này có nghĩa là các phương tiện đang tham gia giao thông đúng hướng sẽ không được phép quay đầu xe theo hướng ngược lại.

- Biển cấm đi ngược chiều sẽ không được áp dụng đối với các loại xe ưu tiên như: Xe chữa cháy; xe quân sự, xe công an đi, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương.

- Đối với người đi bộ thì vẫn được phép đi trên vỉa hè hoặc lề đường.

Biển cấm đi ngược chiều có được quay đầu xe không?

Quy định về quay đầu xe hiện được ghi nhận tại Khoản 3,4 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

- Xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe trong khu dân cư ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe;

- Cấm không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

Như vậy, Luật Giao thông đường bộ không có quy định cấm quay đầu xe ở nơi có biển cấm đi ngược chiều.

Do đó, có thể hiểu rằng xe vẫn được phép quay đầu dù có biển cấm đi ngược chiều. Tuy nhiên, đối với xe ô tô cần phải lưu ý khi tham gia giao thông không phải khu vực nào cũng được phép quay đầu xe. Chỉ khi nào có biển báo chỗ quay đầu xe thì xe ô tô mới được phép quay đầu.

Biển cấm đi ngược chiều có được rẽ trái không?

Xe muốn chuyển hướng di chuyển hay rẽ trái thì phải thực hiện theo Khoản 1, 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ 2008, cụ thể như sau:

- Phương tiện tham gia giao thông nếu muốn chuyển hướng thì phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ như bật đèn nhan hoặc giơ tay xin đường;

- Trong khi chuyển hướng, phương tiện tham gia giao thông phải ưu tiên cho người đi bộ, người đi xe đạp, nhường đường cho các xe đi ngược chiều;

- Phương tiện chỉ được phép chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

Biển cấm đi ngược chiều có được rẽ trái không?

Biển cấm đi ngược chiều có được rẽ trái không?

Đi ngược chiều bị phạt như thế nào?

Nếu phương tiện di chuyển vào đường có biển cấm đi ngược chiều thì bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể:

- Đối với người điều khiển xe ô tô: Bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng (điểm c Khoản 5 Điều 5), nếu đi vào đường có biển cấm đi ngược chiều mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng (điểm a khoản 7 Điều 5).

Ngoài ra, người điều khiển xe ô tô trong trường hợp này còn bị tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

- Đối với người điều khiển xe máy: Bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe 01 - 03 tháng (điểm a khoản 5 Điều 6).

Nếu đi vào đường có biển cấm đi ngược chiều mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng và bị  tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (điểm b khoản 7 Điều 6).

- Đối với người điều khiển xe đạp: phạt tiền từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng (điểm c khoản 3 Điều 8).

Trên đây là nội dung tư vấn về biển cấm đi ngược chiều. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về những nội dung có liên quan. Nếu còn thắc mắc, xin vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X