hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 15/08/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bỏ khung giá đất là gì? Khi nào bỏ khung giá đất?

Hiện nay, một vấn đề người dân quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai mới đó là bỏ khung giá đất. Bỏ khung giá đất là gì? Khi nào bỏ khung giá đất?

Mục lục bài viết
  • Bỏ khung giá đất là gì?
  • Khi nào bỏ khung giá đất?
  • Bỏ khung giá đất đem lại lợi ích gì?
Câu hỏi: Em nghe nói chuẩn bị bỏ khung giá đất để tự xác định giá mua bán, đền bù theo giá thị trường có đúng không? Bỏ khung giá đất nghĩa là gì? Khi nào bỏ?

Bỏ khung giá đất là gì?

Tại Nghị quyết 18/NQ-TW năm 2022 do Ban Chấp hành trung ương ban hành có quy định, 

Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất...

Hiện nay, chính sách này đã chính thức được đưa vào dự thảo Luật Đất đai mới thay thế Luật đất đai 2014. Nghĩa là, dự thảo mới đã không còn đưa quy định về bảng giá đất vào dự án Luật này.

Hiện nay, khung giá đất là giá đất Nhà nước quy định mức tối thiểu và tối đa, ban hành định kỳ 5 năm một lần. Đây là cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm căn cứ xây dựng và công bố bảng giá đất ở từng địa phương và áp dụng. Theo đó, các địa phương không được quy định giá đất ngoài khung.

Bỏ khung giá đất nghĩa là Nhà nước sẽ không áp dụng mức giá tổi thiểu và tối đa với từng loại đất nữa mà thay vào đó, khi ban hành ra bảng giá đất của từng địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ căn cứ vào các nguyên tắc, các phương pháp định giá đất, các quy chuẩn và giá đất, sự biến động về giá đất thực tế trên thị trường để xây dựng ra bảng giá đất. Sau khi xây dựng xong bảng giá đất sẽ được trình Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi thông qua.

bo khung gia dat la gi
 

Khi nào bỏ khung giá đất?

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong đó có nội dung bỏ khung giá đất sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022), kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Hiện nay, tại dự thảo Luật Đất đai chưa quy định rõ thời điểm có hiệu lực.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi 2020 chỉ quy định, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương...
 

Bỏ khung giá đất đem lại lợi ích gì?

- Người dân bị thu hồi đất được bảo đảm quyền lợi khi nhận tiền bồi thường.

Hiện nay, Bảng giá đất không theo kịp giá thị trường, tiền bồi thường cho người dân quá “thấp” dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện ngày càng nhiều.

Vì thế, dẫn đến tình trạng khó có thể thu hồi đất vì sự phản đối của người dân không đồng ý với phương án bồi thường của Nhà nước. Do đó các dự án thường kéo dài tiến độ thực hiện hơn so với dự kiến rất lâu. 

Khi mức giá bồi thường đất tăng cao, phù hợp hơn so với mức giá của thị trường thì người dân sẽ dễ dàng chấp nhận hơn mức bồi thường và có thể xúc tiến nhanh thời gian giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện các dự án.

- Có thể giúp hạn chế hiện tượng đầu cơ đất đai. Khi khung giá đất sát thị trường sẽ khiến thuế bất động sản, phí chuyển nhượng cao hơn…, làm giảm đi tính hấp dẫn của việc đầu tư vào đất đai, qua đó giá đất có thể giảm.

- Hạn chế việc mua bán đất kê khai giá thấp để giảm thuế, giúp tăng thu vào ngân sách nhà nước. Hiện nay, khi mua bán nhà đất, nếu giá trên hợp đồng thấp hơn hoặc bằng với giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quy định thì sẽ sử dụng giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định để làm căn cứ tính thuế cho các cá nhân, tổ chức.

Trong khi thực tế giá đất trên thị trường thường cao hơn rất nhiều so với giá đất được quy định trong khung giá đất của Ủy ban nhân dân tỉnh. Lợi dụng những điểm sơ hở đó các cá nhân thực hiện thường kê khai giá trên hợp đồng công chứng thấp hơn mức giá đã được thỏa thuận trên hợp đồng trước đó để có thể giảm số thuế phải nộp xuống. Do đó, khi giá đất tỉnh ban hành bám sát với giá thị trường thì sẽ không còn sự chênh lệch khá nhiều giữa hai loại giá này, do đó sẽ hạn chế được cơ bản vấn đề kê khai giá thấp để giảm số thuế phải nộp xuống.

Trên đây là giải đáp bỏ khung giá đất là gì? Vai trò của việc bỏ khung giá đất? Mặc dù có những lợi ích như trên nhưng nhiều người vẫn lo lắng, việc bỏ khung giá đất có thể khiến chi phí đầu vào của các dự án đội lên, đẩy giá nhà tăng theo. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản đang phải chịu rất nhiều sức ép, từ việc vốn vay bị siết chặt đến gánh nặng chi phí, pháp lý, nhân công, giá vật liệu xây dựng tăng… Nay gánh thêm chi phí liên quan đến giá đất, có thể khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X