hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 03/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Năm 2022, bốc đầu xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?

Bốc đầu xe máy bị phạt bao nhiêu tiền? Đua xe bị xử lý thế nào? … Thực tế hiện nay, có nhiều thanh thiếu niên tham gia giao thông với hành vi buông hai tay, điều khiển xe máy bằng chân, đua xe trái phép trên đường phố, đặc biệt là vào ban đêm gây mất an toàn giao thông. Vậy những hành vi này bị xử lý thế nào?

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, nhà tôi ở mặt đường phố nên xe cộ giao thông qua lại tấp nập. Thời gian gần đây, tôi thấy có nhiều đối tượng có hành vi đi xe máy (đặc biệt là vào ban đêm) nhưng có hành vi bốc đầu xe, hoặc điều khiển xe máy bằng chân và còn đua xe trái phép trên đường, có một vài lần còn làm bị thương người tham gia giao thông khá.

Tôi muốn hỏi Luật sư, hành vi bốc đầu xe máy/dùng chân điều khiển phương tiện giao thông và đua xe trái phép của những đối tượng này bị phạt bao nhiêu tiền? Tôi có thể trình báo hành vi vi phạm pháp luật này tới đâu thưa Luật sư?

Chào bạn, xoay quanh câu hỏi bốc đầu xe máy bị phạt bao nhiêu tiền mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Bốc đầu xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?

Hiện nay, pháp luật không định nghĩa hành vi bốc đầu xe máy, vì vậy, cũng không quy định về mức xử phạt đối với hành vi bốc đầu xe máy này. Tuy nhiên hành vi dùng chân điều khiển xe máy (xe gắn máy) hoặc buông cả hai tay khi đang điều khiển xe máy thì bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt như sau:

8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;

Theo đó, nếu người điều khiển phương tiện xe gắn máy tham gia giao thông mà có hành vi buông cả hai tay khi điều khiển xe hoặc dùng chân điều khiển xe thì mức phạt tiền cao nhất có thể lên đến 8 triệu đồng.

Ngoài hình phạt chính là phạt tiền thì người vi phạm này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tới 4 tháng (căn cứ quy định tại điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Khi phát hiện hành vi của người điều khiển phương tiện xe gắn máy có hành vi dùng chân điều khiển phương tiện, buông cả hai tay khi đang điều khiển phương tiện, bạn nên quay/ghi hình lại hành vi vi phạm này, thông báo tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

2. Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:

a) Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11;

Hoặc thông báo tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi quản lý hành chính của họ theo quy định tại khoản 27 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Điều 75 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) như sau:

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b, c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Từ căn cứ trên, suy ra, cảnh sát giao thông trong phạm vi khu vực được phân công thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong phạm vi quản lý của mình là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm vi phạm hành chính đối với hành vi buông cả hai tay khi tham gia giao thông hoặc dùng chân điều khiển phương tiện giao thông.

Như vậy, mức phạt cao nhất đối với hành vi buông cả hai tay khi điều khiển phương tiện giao thông hoặc dùng chân điều khiển phương tiện giao thông là xe gắn máy là 8 triệu đồng.

Người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Người có thẩm quyền xử phạt hành vi này là cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi quản lý hành chính của mình.

boc dau xe may bi phat bao nhieu tien


Đua xe trái phép bị phạt bao nhiêu tiền?

Việc đua xe gắn máy là hành vi phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định pháp luật. Nếu việc đua xe gắn máy không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp hành vi đua xe gắn máy trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính thì mức phạt được quy định tại điểm a Khoản 19 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) như sau:

19. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 34 như sau:

a) Sửa đổi khoản 2 Điều 34 như sau:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.”;

Từ căn cứ trên, suy ra, hành vi đua xe trái phép của người điều khiển phương tiện xe gắn máy khi tham gia giao thông thấp nhất là 10 triệu và tối đa là 15 triệu.

Ngoài việc bị xử phạt tiền thì người tham gia giao thông còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng và bị tịch thu phương tiện xe gắn máy.

Cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm đua xe trái phép là cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ theo quy định tại khoản 26 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi quản lý hành chính của mình theo quy định tại khoản 27 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Vì vậy, khi phát hiện có hành vi vi phạm, bạn có thể nhanh chóng ghi hình/quay phim lại và thông báo tới chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện/ cảnh sát giao thông có thẩm quyền.

Kết luận: Hành vi đua xe trái phép có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền cao nhất là 15 triệu, người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng và bị tịch thu phương tiện xe gắn máy.

Khi phát hiện hành vi vi phạm, công dân có thể thông báo trực tiếp đến cảnh sát giao thông/Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có thẩm quyền để thụ lý, giải quyết.

Trên đây là giải đáp về bốc đầu xe máy bị phạt bao nhiêu tiền​? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Từ năm 2022, đi xe máy không có bằng lái phạt bao nhiêu?

>> Không mang giấy phép lái xe có bị CSGT giữ xe không?

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X