hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 13/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất như thế nào?

Người sử dụng đất được Nhà nước đền bù, bồi thường theo quy định pháp luật khi bị thu hồi đất nhằm mục đích quốc phòng an ninh hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được pháp luật quy định thế nào? Thẩm quyền đền bù thuộc về cơ quan nào?

 

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi liên quan đến việc thu hồi đất mong nhận được sự hỗ trợ, giải đáp từ Luật sư như sau:

1. Gia đình tôi nhận được thông tin thửa đất ở mà gia đình tôi đang sử dụng thuộc diện phải thu hồi để Nhà nước mở rộng đường giao thông (đường tỉnh lộ). Thửa đất này gia đình tôi sử dụng từ đời ông bà tổ tiên, nay để lại cho bố tôi và chưa được cấp Giấy chứng nhận.

Một số người nói với tôi rằng, gia đình Nhà tôi sẽ không nhận được đền bù bồi thường về đất vì chưa được cấp sổ hồng (cũng xin cung cấp thêm thông tin cho Luật sư rằng, các thửa đất xung quanh thửa đất nhà tôi cũng chưa được cấp sổ hồng). Vậy, Luật sư vui lòng cho tôi biết nguyên tắc đền bù bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được quy định như thế nào?

2. Trong trường hợp thửa đất của gia đình tôi bị thu hồi thì việc đền bù bồi thường sẽ do cơ quan nào giải quyết?

Chào bạn, với những vướng mắc liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất và đền bù bồi thường của bạn, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất như thế nào?

Trước hết, Nhà nước thu hồi đất vì các mục đích sau đây:

- Vì mục đích quốc phòng an ninh: Ví dụ như thu hồi đất để làm nơi đóng quân, hoặc trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang; Hoặc để xây dựng căn cứ quân sự; Hoặc để làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí…theo quy định tại Điều 61 Luật Đất đai 2013;

- Để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: Ví dụ như để thực hiện dự án xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia như giao thông, thủy lợi,...theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2013.

Khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thuộc các trường hợp được liệt kê nêu trên thì người sử dụng đất sẽ được đền bù, bồi thường theo nguyên tắc được quy định tại Điều 74 Luật Đất đai 2013, cụ thể như sau:

Một là, người sử dụng đất được đền bù bồi thường về đất nếu thửa đất thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013

Điều 75 Luật Đất đai 2013 quy định các điều kiện để được đền bù bồi thường về đất khi người sử dụng đất bị thu hồi như sau:

- Người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân:

+ Đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm;

+ Thửa đất đã có Giấy chứng nhận (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;

- Nếu người sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam được đền bù về đất khi bị thu hồi trong trường hợp đã có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;

- Người sử dụng đất là cộng đồng dân cư hoặc cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng: Điều kiện được đền bù bồi thường về đất là thửa đất không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê, đồng thời, phải có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;

- Người sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài  mà diện tích đất sử dụng thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế mà diện tích đất này có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;

- Người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và đã có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;

- Người sử dụng đất là tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp cũng là đối tượng được đền bù bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi;

- Người sử dụng đất là tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà các đối tượng này được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và đã có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp.

=> Tùy thuộc mỗi trường hợp mà điều kiện để được nhận đất đền bù bồi thường cũng khác nhau.

Hai là, người sử dụng đất được đền bù bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với đất bị thu hồi. Trong trường hợp không có đất để đền bù bồi thường thì việc bồi thường được tiến hành bằng việc chi trả bằng tiền cho người có đất bị thu hồi, tiền bồi thường được tính bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất bị thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quyết định.

Ba là, khi thực hiện bồi thường trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất thì việc đền bù bồi thường được thực hiện theo những nguyên tắc mà chúng tôi đã nêu trên.

boi thuong khi thu hoi dat


Thẩm quyền bồi thường khi thu hồi đất thuộc về cơ quan nào?

Trình tự, thủ tục Nhà nước thu hồi đất và tiến hành đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác có liên quan.

Theo đó, tùy thuộc đối tượng người sử dụng đất bị thu hồi đất mà cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đền bù bồi thường cũng có sự khác biệt, hay nói cách khác, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất là cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Cụ thể, căn cứ Điều 66 Luật Đất đai 2013 về thẩm quyền thu hồi đất, suy ra, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đền bù bồi thường, hỗ trợ tái định cư là:

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp người sử dụng đất là:

+ Tổ chức, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, hoặc cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trừ các trường hợp là người quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường thị trấn);

+ Người sử dụng đất đang quản lý, sử dụng…đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định;

Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các trường hợp người sử dụng đất là:

+ Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

+ Hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Như vậy, tùy thuộc từng đối tượng người sử dụng đất mà việc quyết định phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng có sự khác biệt.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về bồi thường khi thu hồi đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Thu hồi đất công ích được quy định thế nào?

>> Trường hợp nào bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X