Khi các bên giao kết hợp đồng mua bán hay vận chuyển hàng hóa, việc giao hàng đúng thời hạn có ý nghĩa quan trọng. Hiện nay, mức bồi thường thiệt hại giao hàng chậm thế nào?
Người bán có nghĩa vụ thế nào về việc giao hàng đúng hạn?
Theo Điều 434 Bộ luật Dân sự 2015, khi 02 bên tiến hành giao kết hợp đồng mua bán thì thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thoả thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thoả thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.
Theo đó, hợp đồng không thể được tiếp tục thực hiện trên thực tế nếu không có sự thỏa thuận khác từ hai bên. Khi có tranh chấp hợp đồng vi phạm thời hạn giao hàng, bạn (bên mua) có thể yêu cầu các phương án giải quyết như sau:
- Buộc thực hiện đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng (Điều 297 Luật Thương mại 2005).
- Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng (Điều 311 Luật Thương mại 2005 quy định khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng).
- Hủy bỏ hợp đồng (Điều 312 Luật Thương mại 2005 quy định việc hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong trường hợp xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng).
Hành vi giao hàng chậm phải bồi thường thiệt hại thế nào?
Trước hết, khi chậm giao hàng mà không thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm thì bên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm phạt vi phạm theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại 2005 trừ trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005 gồm:
1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.
Theo Điều 300, mức phạt vi phạm thực hiện theo hợp đồng nếu hợp đồng có thoả thuận. Mức phạt do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng cũng không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Ngoài ra, việc giao hàng chậm được bồi thường theo thỏa thuận trong hợp đồng. Chẳng hạn, nếu hợp đồng thỏa thuận khi giao hàng chậm, bên mua hàng sẽ không phải nhận hàng và được bồi thường một khoản tiền là 01 triệu đồng thì hai bên sẽ phải thực hiện theo thỏa thuận này.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay mua bán nhỏ lẻ nhất là mua bán hoa quả thường chỉ giao kết miệng với nhau một cách đơn giản và không có đầy đủ điều khoản yêu cầu bồi thường nên việc bồi thường thực hiện theo thỏa thuận sau khi thiệt hại xảy ra hoặc theo thiệt hại thực tế. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên yêu cầu bồi thường phải chứng minh thiệt hạicủa mình. Những thiệt hại có thể được bồi thường phải là những lợi ích mà lẽ ra bên bị vi phạm sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Hay nói cách khác là nếu không vi phạm thì bên bị vi phạm sẽ được hưởng các lợi ích từ việc thực hiện đúng hợp đồng, nhưng do một bên vi phạm nên không được hưởng các lợi ích đó. Do vậy, đây xác định là thiệt hại về lợi ích do hợp đồng mang lại.
Trên đây là giải đáp bồi thường thiệt hại giao hàng chậm như thế nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.