hieuluat
Chia sẻ email

Mức bồi thường thiệt hại khi xâm phạm mồ mả là bao nhiêu?

Mồ mả của người chết thường là một nơi linh thiêng và được cả gia đình bảo vệ, chăm sóc. Nếu mồ mả bị xâm phạm, mức bồi thường thiệt hại khi xâm phạm mồ mả là bao nhiêu?

Câu hỏi: Em xin hỏi, nếu mồ mả bị xâm phạm thì căn cứ vào đâu để yêu cầu bồi thường? Mức bồi thường ra sao? Ai có yêu cầu bồi thường?

Mức bồi thường thiệt hại khi xâm phạm mồ mả

Chào bạn. Mồ mả có thể hiểu đơn giản chính là nơi chôn cất, an táng của người đã chết hay di vật của họ.

Việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả hiện được quy định tại Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, phép luật yêu cầu cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần dựa vào các căn cứ sau:

- Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;

- Gây thiệt hại.

Tuy nhiên, có 02 trường hợp người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm:

- Thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng

- Thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Hiện chưa có mức quy định chung về việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, pháp luật chỉ quy định chung rằng, thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại (chẳng hạn tiền thuê người xây dựng, dọn dẹp lại mồ mả...)

- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng người chết (nếu không có hàng thừa kế) được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện nay tương đương 14,9 triệu đồng).

Tuy nhiên, điều kiện làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

- Chủ thể thực hiện hành vi có thể là tổ chức, cá nhân với lỗi cố ý gây hậu quả.

- Hành vi được thực hiện phải là hành vi xâm phạm đến mồ mả một cách trái pháp luật dẫn đến hư hỏng, hủy hoại đến mồ mả như: đập phá, khai quật, di chuyển mồ mả trái với ý muốn của thân nhân người đã chết hoặc trái với quy định của pháp luật, đổ phế thải, uế tạp ngôi mộ, san lấp, làm mất dấu tích ngôi mộ, ….

- Có thiệt hại phát sinh do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra thể hiện rõ về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và hậu quả.

boi thuong thiet hai do xam pham mo ma

Ai được nhận bồi thường do xâm phạm mồ mả gây ra?

Theo Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015, mồ mả một người bị xâm hại thì tiền bồi thường do những người sau đây hưởng:

- Những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết. Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

Nếu hai hàng thừa kế trên không còn ai thì tiền đền bù do mồ mả bị xâm hại được chia cho hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

- Nếu không có ai thuộc các hàng thừa kế còn sống thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.

Trên đây là giải đáp mức bồi thường thiệt hại khi xâm phạm mồ mả là bao nhiêu? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X