hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 24/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hiện nay ra sao?

Việc phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng diễn ra khá phố biến trong đời sống hằng ngày. Quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hiện nay thế nào?

Mục lục bài viết
  • Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?
  • Căn cứ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thế nào?
  • Ví dụ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
  • Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thế nào?
  • Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ra sao?
Câu hỏi: Tôi muốn hỏi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là thế nào, căn cứ, nguyên tắc để bồi thường là gì? Xin cho tôi ví dụ để tôi hiểu rõ hơn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Chào bạn, liên quan đến câu hỏi của bạn về việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, HieuLuat xin thông tin đến bạn như sau:

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là 01 loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi (có thể là cố ý hoặc vô ý), gây hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín… của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng;

Như vậy, người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường.

boi thuong thiet hai goai hop dong

Căn cứ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thế nào?

Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ:

- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác).

- Trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác).

- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại)

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện:

Thứ nhất là có thiệt hại xảy ra

Thứ hai, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật

Thứ 3, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.

Và thứ 4 là có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại

Ví dụ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Ví dụ 1: Anh A và anh B mở hàng ăn cạnh nhau. Do tranh giành khách nên hai bên có mâu thuẫn. Một hôm cũng vì mời chào, tranh khách nên anh  và anh B có cãi nhau, anh A lao vào đấm vào mặt anh B, khiến anh B bị thương phải đi viện.

Trong trường hợp này, anh A đã đã xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của anh B trái pháp luật. Vì vậy anh A phải trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh B.

Ví dụ 2: Ông A dựng xe máy trước nhà. Ông B qua nhà ông A chơi, trong lúc nói chuyện hai bên có tranh luận và cãi nhau. Ông B trong lúc tức giận đã lấy một thanh sắt cứng đập nhiều lần vào xe ông A, khiến xe máy ông A bị hư hỏng nặng.

Có thể thấy ông B đã có hành vi trái pháp luật là xâm phạm và làm hư hỏng tài sản của ông A. Ông B đã phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho ông A.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thế nào?

Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ, kịp thời.

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, phương thức bồi thường 1 lần hoặc nhiều lần…

- Nếu người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình có thể được giảm mức bồi thường.

- Bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế.

- Bên bị thiệt hại nếu có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình thì bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường.

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ra sao?

Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định như sau:

- Nếu người gây thiệt hại từ đủ 18 trở lên: phải tự bồi thường

- Người người gây thiệt hại chưa đủ 15 tuổi mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại

Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 (người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý)

- Người gây ra thiệt hại nếu từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

- Người gây thiệt hại là người chưa thành niên, là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường.

Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Theo Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Và trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người.

- Nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

HieuLuat vừa giải đáp thông tin liên quan đến việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X