Bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực xây dựng xảy ra khá thường xuyên trên thực tế do thực trạng xây dựng nhà cửa làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.
Căn cứ bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực xây dựng là gì?
Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, để phát sinh vấn đề bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực xây dựng cần xác định được:
- Thiệt hại xảy ra trên thực tế
- Thiệt hại đó được tạo ra phải do tác động của nhà cửa, công trình xây dựng hặc việc xây dựng công trình gây ra
- Phải xác định được mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và tác động của hành vi xây dựng hoặc của công trình xây dựng, nhà cửa...
Vì thế, nếu bạn chứng minh được việc nứt nhà của hàng xóm không có liên quan gì để việc xây nhà của bạn thì không phải bồi thường. Ngược lại, nếu hàng xóm chứng minh được có mối quan hệ mật thiết giữa việc xây nhà của bạn và việc nứt nhà của họ thì bạn phải bồi thường.
Ngoài ra, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Mức bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực xây dựng là bao nhiêu?
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, nếu thật sự có thiệt hại xảy ra với công trình liền kề do hoạt động xây dựng của gia đình bạn gây ra thì mức bồi thường do các bên thỏa thuận căn cứ theo mức thiệt hại thực tế đối với công trình lân cận bị hư hỏng và các chi phí khác có liên quan.
Chẳng hạn, trường hợp nhà hàng xóm bị nứt do nhà bạn xây nhà thì mức bồi thường thiệt hại trước tiên do hai bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, mức bồi thường do Tòa án quyết định dựa trên thiệt hại thực tế như chi phí sửa chữa phần nứt, hỏng; chi phí cử người trông coi thợ sửa chữa, chi phí khác do việc nứt, hỏng nhà gây ra (chẳng hạn do nứt nhà nên không thể kinh doanh được)...
Tuy nhiên, gia đình bạn không cần phải bồi thường thiệt hại trong xây dựng nếu nguyên nhân xuất phát từ sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại
Trên đây là giải đáp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực xây dựng quy định thế nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.