hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 15/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Buồng hạnh phúc là gì? Điều kiện sử dụng buồng hạnh phúc trại giam?

Buồng hạnh phúc là một trong những quy định thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với phạm nhân. Vậy khi nào phạm nhân được sử dụng buồng hạnh phúc trại giam? Cùng tìm hiểu quy định liên quan đến buồng hạnh phúc tại bài viết.

Mục lục bài viết
  • Buồng hạnh phúc là gì?
  • Điều kiện để phạm nhân sử dụng buồng hạnh phúc trại giam?
  • Thủ tục đăng ký sử dụng buồng hạnh phúc
Câu hỏi: Hiện nay chồng tôi đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam. Tôi nghe nói tôi có thể gặp chồng tại buồng hạnh phúc trại giam. Cho tôi hỏi khi nào thì tôi và chồng có thể sử dụng buồng hạnh phúc này?

Buồng hạnh phúc là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự 2019, đối với phạm nhân sẽ có chế độ được gặp, nhận quà từ thân nhân. Theo đó, phạm nhân sẽ được gặp thân nhân hoặc gặp chồng, vợ ở phòng riêng.

Buồng hạnh phúc trại giam

Buồng hạnh phúc trại giam

Cũng từ quy định này, những tên gọi như “Nhà 24h”, “Buồng hạnh phúc”, “Phòng hạnh phúc”, “Buồng vợ chồng”,... xuất hiện. Buồng hạnh phúc nói chung được hiểu là là chế độ gặp chồng, vợ ở phòng riêng của phạm nhân.

Điều kiện để phạm nhân sử dụng buồng hạnh phúc trại giam?

Khoản 1 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về chế độ gặp thân nhân, vợ chồng của phạm nhân như sau:

“Chế độ gặp, nhận quà của phạm nhân

1. Phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.”

Điều kiện sử dụng buồng hạnh phúc trại giam

Điều kiện sử dụng buồng hạnh phúc trại giam

Như vậy, mỗi tháng phạm nhân sẽ được gặp thân nhân 01 lần. Căn cứ vào kết quả xếp loại thi hành án cũng như yêu cầu giáo dục cải tạo, các thành tích lao động và học tập phạm nhân có thể được kéo dài thời gian gặp thân nhân.

Theo đó, thời gian gặp thân nhân sẽ được kéo dài nhưng quá 03 giờ và thời gian gặp vợ chồng ở phòng riêng kéo dài không quá 24 giờ. Phạm nhân  sẽ được gặp thân nhân thêm 01 lần trong tháng nếu lập công hoặc được khen thưởng.

Đồng thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA, phạm nhân có thể được kéo dài thời gian gặp vợ, chồng tại phòng riêng khi đáp ứng các điều kiện sau:

  • Phạm nhân có ít nhất 02 quý (06 tháng) liền kề thời điểm gặp vợ, chồng được xếp loại chấp hành án phạt tù từ loại khá trở lên và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp vợ, chồng được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù từ loại khá trở lên thì có thể được gặp vợ, chồng ở phòng riêng thời gian không quá 03 giờ;

  • Phạm nhân có ít nhất 04 quý (12 tháng) liền kề thời điểm gặp vợ, chồng được xếp loại chấp hành án phạt tù loại tốt và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp vợ, chồng được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù loại tốt và được khen thưởng thì có thể được gặp vợ, chồng ở phòng riêng từ trên 03 giờ - không quá 24 giờ.

Thủ tục đăng ký sử dụng buồng hạnh phúc

Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCA quy định về việc cho phạm nhân gặp thân nhân như sau:

  • Thân nhân phải có tên trong Sổ gặp phạm nhân hoặc đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận và phải có một trong những giấy tờ pháp lý cá nhân sau: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên;

  • Đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có đề nghị bằng văn bản và phải có một trong những giấy tờ pháp lý cá nhân tương tự như thân nhân.

  • Nếu người đến gặp phạm nhân không có giấy tờ pháp lý cá nhân thì phải có đơn đề nghị được dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

  • Phạm nhân được gặp vợ, chồng ở phòng riêng phải tuân thủ quy định như trường hợp gặp thân nhân và các giấy tờ sau:

  • Giấy chứng nhận kết hôn của phạm nhân với vợ, chồng hoặc Trích lục hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;

  • Đơn xin sử dụng buồng hạnh phúc của thân nhân;

  • Đơn xin sử dụng buồng hạnh phúc của phạm nhân.

  • Phạm nhân chưa đủ 18 tuổi được kéo dài thời gian gặp thân nhân ở phòng riêng không quá 24 giờ.

  • Cơ sở giam giữ phạm nhân phát hành Sổ gặp phạm nhân theo mẫu thống nhất. Sổ gặp phạm nhân phải được ký, đóng dấu và xác nhận danh sách những người là thân nhân của phạm nhân theo quy định.

Từ quy định trên, có thể thấy, thủ tục xin sử dụng buồng hạnh phúc được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ

  • Vợ, chồng phải có tên trong Sổ gặp phạm nhân hoặc đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận;

  • Vợ, chồng phải chuẩn bị các giấy tờ pháp lý cá nhân theo quy định;

  • Vợ, chồng chuẩn bị Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Trích lục kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của thân nhân và phạm nhân

Bước 2: Vợ, chồng đến thăm gặp phạm nhân

  • Vợ chồng khi đến thăm gặp phạm nhân phải xuất trình giấy tờ theo yêu cầu và tuân thủ quy định về thời gian thăm gặp phạm nhân.

  • Trong quá trình thăm gặp phải chấp hành pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân, thực hiện việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, quy định về dân số, kế hoạch hóa gia đình

  • Nếu phạm nhân là nữ thì phải sử dụng các biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai.

Phần trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi Buồng hạnh phúc là gì? Điều kiện phạm nhân được sử dụng buồng hạnh phúc trại giam? Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung tại bài viết trên đây vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.
Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X