Cá nhân kinh doanh có phải đóng thuế không? Cá nhân kinh doanh là những ai? Những loại thuế mà cá nhân kinh doanh phải nộp là gì?.... Đây là những vấn đề mà được nhiều người kinh doanh quan tâm, đặc biệt là những người đã, đang tự mình thực hiện kinh doanh. Trước những thay đổi về chính sách cũng như quy định pháp luật về thuế, phí, chính sách kinh doanh, đặc biệt là trong kinh doanh online thì những cá nhân kinh doanh cần đặc biệt lưu ý để không vi phạm pháp luật.
Chào Luật sư, tôi đang có ý định tự mình kinh doanh. Tôi đang tự tìm hiểu về hình thức kinh doanh online để giảm thiểu chi phí mặt bằng cũng như nhân công. Hàng hóa kinh doanh của tôi thường là theo từng chuyến hàng nhập, cũng không phải là hàng tôi tự sản xuất. Tuy vậy, vì không có chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật nên tôi chưa rõ nếu tôi tự mình kinh doanh (cá nhân tự mình kinh doanh) thì tôi phải chịu những loại thuế nào theo quy định pháp luật, thưa Luật sư?
Chào bạn, liên quan đến cá nhân kinh doanh là ai, cá nhân kinh doanh có phải đóng thuế không mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Cá nhân kinh doanh là ai?
Trước hết, cá nhân kinh doanh thường được áp dụng trong trường hợp cá nhân chưa có nhiều vốn để thực hiện các hoạt động kinh doanh hoặc trong trường hợp muốn tìm hiểu thị trường mới.
Với thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng, hình thức kinh doanh của bạn là hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, tức không phải là thương nhân theo quy định của Luật Thương mại 2005 mà là cá nhân hoạt động kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
…
Như vậy, cá nhân kinh doanh theo quy định pháp luật là:
+ Là những người thực hiện các hoạt động thương mại (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại…) mà không phải là thương nhân (người hoạt động thương mại thường xuyên, độc lập và có đăng ký kinh doanh) theo quy định của Luật Thương mại 2005;
+ Cá nhân kinh doanh thực hiện các hoạt động thương mại mà pháp luật không cấm;
+ Cá nhân kinh doanh là những người thực hiện kinh doanh một số ngành nghề nhất định như bán hàng rong, đánh giày,...hoặc trong các trường hợp không cố định về địa điểm kinh doanh hoặc không thường xuyên kinh doanh;
+ Thuộc đối tượng không phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật;
Đây là những đặc điểm cơ bản nhận diện là cá nhân kinh doanh hiện nay.
Cá nhân kinh doanh phải đóng thuế không?
Các khoản thuế mà cá nhân kinh doanh phải nộp bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu (nếu hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài về), thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu là các sản phẩm phải chịu thuế này)....hoặc các loại thuế khác tùy theo mặt hàng kinh doanh của bạn.
Do chúng tôi chưa nhận được thông tin cụ thể về mặt hàng kinh doanh của bạn, nên theo thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi tạm thời nhận định rằng, khi thực hiện các hoạt động thương mại, bạn phải đóng nộp các loại thuế cơ bản sau đây:
Một là, thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 2014, thu nhập được sử dụng làm căn cứ đóng thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp của bạn là:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:
“1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:
a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.”.
…
=> Theo đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của bạn chính là thu nhập được sử dụng để tính thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, nếu bạn có mức thu nhập từ hoạt động kinh doanh mà có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì bạn không cần phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, bạn cần hạch toán, ghi chép và tổng kết cụ thể để biết mình có phải đóng hay không đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật hiện hành.
Hai là, thuế nhập khẩu
Với thông tin bạn cung cấp, hàng hóa của bạn (hàng hóa mà bạn là chủ sở hữu) là hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài về, vậy nên, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu 2016, hàng hóa sản phẩm nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam thì phải chịu thuế nhập khẩu.
Mức thuế nhập khẩu mà hàng hóa của bạn phải nộp được áp dụng dựa trên trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ % của từng mặt hàng tại thời Điểm tính thuế. Tuy nhiên, bạn không phải nộp thuế nếu các sản phẩm hàng hóa của bạn thuộc vào một trong những trường hợp được miễn thuế theo quy định tại Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 như hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc hàng hóa có trị giá/có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu,...
Ba là, thuế giá trị gia tăng
Đây là loại thuế mà hầu hết các sản phẩm hàng hóa kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải chịu. Nếu sản phẩm hàng hóa mà bạn kinh doanh, buôn bán thuộc trường hợp là đối tượng không chịu thuế tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 thì bạn phải có trách nhiệm nộp khoản thuế này cho Nhà nước.
Một số các sản phẩm không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng có thể liệt kê đến như sau:
+ Các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, hoặc các sản phẩm thủy sản, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản..mà chưa qua chế biến;
+ Các sản phẩm là giống cây trồng, vật nuôi…;
+ Sản phẩm hàng hóa mà có tổng doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống;
+ Các sản phẩm khác được liệt kê theo quy định pháp luật;
Ngoài ra, bạn cũng không phải nộp thuế giá trị gia tăng nếu sản phẩm, hàng hóa kinh doanh của bạn thuộc đối tượng phải chịu mức thuế giá trị gia tăng là 0% theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (ví dụ như dịch vụ tài chính phái sinh,..)
Bên cạnh đó, nếu sản phẩm hàng hóa của bạn thuộc danh mục hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường…thì bạn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ kê khai, đóng nộp cho Nhà nước theo quy định pháp luật.
Như vậy, về cơ bản, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng theo quy định pháp luật. Ngoài ra, tùy thuộc từng trường hợp, từng sản phẩm hàng hóa mà bạn còn có thể phải nộp thêm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt,... theo quy định pháp luật.