Để thuận lợi cho việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng như đảm bảo an toàn cho bản thân, người dân cần phải biết những loại biển báo giao thông phổ biến dưới đây.
Các biển báo giao thông ai cũng cần nhớ
Dưới đây là một số biển báo thường gặp mà ai cũng cần nhớ, cụ thể:
- Biển báo cấm đi ngược chiều: Biển báo cấm đi ngược chiều có hình tròn, nền đỏ, có một gạch ngang to màu trắng nằm ở giữa.
Biển báo này được đặt ở đầu các tuyến đường một chiều. Biển báo này có ý nghĩa để báo hiệu đoạn đường phía trước cấm các loại xe đi vào theo chiều đặt biển hiệu (trừ các loại xe được ưu tiên khi đang làm nhiệm vụ như: xe cứu thương; xe cứu hoả; xe quân sự, công an, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;...).
- Biển báo cấm đỗ xe: Biển báo này có 03 biển báo con là: Biển báo P.131a, P.131b, P.131c (căn cứ theo QCVN 41:2019/BGTVT), cụ thể:
Biển báo P.131a: Biển báo này cấm các phương tiện đỗ xe ở đoạn đường đặt biển báo, trừ các loại xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ.
Biển báo P.131b: Biển báo này cấm đỗ xe vào ngày lẻ của tháng, trừ các loại xe ưu tiên.
Biển báo P.131c: Biển báo này cấm đỗ xe vào ngày chẵn của tháng, trừ các loại xe ưu tiên.
- Biển báo cấm rẽ phải: Có dạng hình tròn, viền màu đỏ, bên trong có hình mũi tên hướng chỉ sang phải và kèm theo gạch chéo màu đỏ theo chiều từ phải sang trái từ trên xuống. Biển báo này có ý nghĩa báo hiệu cho người tham gia giao thông cấm rẽ phải tại những vị trí đường giao nhau (theo hướng chỉ của mũi tên).
- Biển báo cấm rẽ trái: Có dạng hình tròn, viền màu đỏ, bên trong có hình mũi tên hướng chỉ sang trái và kèm theo gạch chéo màu đỏ theo chiều từ trái sang phải từ trên xuống. Biển báo này có ý nghĩa báo hiệu cho người tham gia giao thông cấm rẽ trái tại những vị trí đường giao nhau (theo hướng chỉ của mũi tên).
- Biển báo cấm quay đầu: Có dạng hình tròn, viền màu đỏ, bên trong có mũi tên hình chữ U màu đen, biểu thị cho việc quay đầu xe, kèm theo gạch chéo màu đỏ từ trên xuống.
Biển báo cấm quay đầu
Biển báo giao thông có mấy loại, có những dạng hình nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, biển báo giao thông tại Việt Nam có 05 loại gồm: Biển báo cấm; biển báo nguy hiểm; biển báo hiệu lệnh; biển báo chỉ dẫn; và biển phụ, biển viết bằng chữ. Cụ thể như sau:
- Biển báo cấm: Là biển báo biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông đường bộ không được vi phạm. Biển báo này chủ yếu có hạng hình tròn, viền đỏ và nền màu trắng, trên nền có hình vẽ biểu tượng hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện hành vi cấm.
- Biển báo nguy hiểm: Là biển báo được dùng để cảnh báo người tham gia giao thông biết về tính chất của sự nguy hiểm hoặc những điều cần chú ý phòng ngừa trên tuyến đường đó.
Khi gặp biển báo này, người tham gia giao thông cần giảm tốc độ đến mức cần thiết, đồng thời chú ý quan sát, chuẩn bị sẵn sàng các tình huống có thể xảy ra để phòng tránh tai nạn.
Biển báo này chủ yếu là hình tam giác đều, có ba đỉnh lượn tròn, một cạnh đặt nằm ngang, đỉnh tương ứng hướng lên phía trên (trừ biển giao nhau với đường ưu tiên thì đỉnh đặt hướng xuống dưới.
- Biển báo hiệu lệnh: Là biển báo các hiệu lệnh bắt buộc chấp hành khi tham gia giao thông (trừ một số biển hiệu đặc biệt).
Biển báo hiệu lệnh dạng hình tròn, có nền màu xanh lam và hình vẽ màu trắng. Nếu hết hiệu lệnh thì thường được sử dụng vạch chéo đỏ kẻ từ trên xuống, từ phải qua trái và đè lên hình màu trắng.
- Biển báo chỉ dẫn: Biển báo này dùng để đưa ra chỉ dẫn cho người tham gia giao thông, nhằm giúp cho người tham gia giao thông lưu thông phương tiện được thuận lợi và đảm bảo an toàn.
Biển báo này có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật hoặc hình mũi tên, có nền xanh lam, hình vẽ và chữ viết màu trắng. Đối với nền màu trắng thì hình vẽ và chữ viết thể hiện màu đen (trừ một số trường hợp).
- Biển phụ, biển viết bằng chữ: Thường được đặt khi kết hợp với các biển báo giao thông chính nhằm thuyết minh, bổ sung thông tin để người tham gia giao thông hiểu rõ (trừ biển hướng rẽ thì được sử dụng một cách độc lập.
Biển báo này có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông, có nền màu trắng, hình vẽ và chữ viết màu đen. Đối với nền màu xanh làm thì chữ viết thể hiện là màu trắng.
Biển báo giao thông được đặt ở vị trí nào?
Căn cứ Điều 20 QCVN 41:2019/BGTVT, quy định về vị trí đặt biển báo giao thông theo chiều dọc và ngang đường cụ thể như sau:
“Vị trí đặt biển báo theo chiều dọc và ngang đường
20.1. Biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông.
20.2. Biển được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; Biển được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.
20.3. Trường hợp biển báo đặt trên cột (có thể đặt trên trụ chiếu sáng, trụ điện) thì khoảng cách mép ngoài của biển theo phương ngang đường cách mép phần đường xe chạy tối thiểu là 0,5 m và tối đa là 1,7 m. Trường hợp không có lề đường, hè đường, khuất tầm nhìn hoặc các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh theo phương ngang nhưng mép biển phía phần xe chạy không được chờm lên mép phần đường xe chạy và cách mép phần đường xe chạy không quá 3,5 m.”
Như vậy, biển báo giao thông được đặt tại vị trí người tham gia giao thông dễ thấy và đủ thời gian chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ/hướng mà không cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông khác, được đặt thẳng đứng và mặt biển quay về hướng đối diện với chiều đi, tại vị trí bên phải đường hoặc pháo trên phần đường xe chạy, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Hiệu lực của biển báo giao thông theo quy định mới nhất
Căn cứ Điều 19 Điều 20 QCVN 41:2019/BGTVT, hiệu lực của các biển báo được quy định như sau:
- Biển báo cấm, biển báo hiệu lệnh: Hiệu lực trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có hiệu lực trên một hoặc một số làn đường dựa theo biển báo được đặt tại đường đó.
- Biển báo nguy hiểm, biển chỉ dẫn: Hiệu lực trên các làn đường theo chiều xe chạy.
- Biển báo khác khi được sử dụng độc lập: Người tham gia giao thông đường bộ phải tuân thủ theo ý nghĩa của biển báo này.
Trên đây là những thông tin về các biển báo giao thông ai cũng cần nhớ. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến: 19006192 để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng.