Cấp huyện là một cấp hành chính thuộc CQNN Việt Nam, những người làm việc ở cấp huyện được gọi là công chức cấp huyện. Vậy các chức danh công chức cấp huyện và tiêu chuẩn công chức cấp huyện hiện nay được quy định thế nào?
Các chức danh công chức cấp huyện hiện nay
Các chức danh công chức cấp huyện hiện nay
Công chức cấp huyện là cách gọi chung cho những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm tại cơ quan Nhà nước ở cấp huyện và được hưởng lương trực tiếp từ NSNN. Theo đó, công chức cấp huyện được phân thành nhiều chức danh khác nhau, phù hợp với vị trí và công việc đảm nhiệm theo quyết định tuyển dụng của Nhà nước.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP quy định về công chức thì những chức danh công chức làm việc tại cơ quan hành chính Nhà nước ở cấp huyện bao gồm:
“ a) Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc trong văn phòng Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân;
c) Người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.”
Theo quy định trên thì các chức danh công chức cấp huyện đều được phân công và bố trí công việc tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện và các Văn phòng Hội đồng nhân dân thuộc cấp huyện (đối với những địa phương vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân).
Các chức danh công chức cấp huyện được kể đến như:
Các chức danh dành cho người đứng đầu UBND cấp huyện như: Chủ tịch UBND cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh Văn phòng và Phó Chánh văn phòng;
Các chức danh đối với công chức làm việc tại các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện bao gồm cấp trưởng, cấp phó và người làm việc chuyên môn.
Tiêu chuẩn công chức cấp huyện được quy định thế nào?
Về bản chất, công chức là những người làm việc trong hệ thống cơ quan Nhà nước và được hưởng lương trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn công chức cũng được quy định cụ thể và được tổ chức thi tuyển, xét tuyển chặt chẽ.
Do đó, để trở thành công chức cấp huyện nói riêng cũng như công chức làm viẹc tại các cơ quan Nhà nước nói chung thì công dân phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về tiêu chuẩn đối với công chức được pháp luật quy định.
Điều kiện để trở thành công chức cấp huyện
Hiện nay, việc tiếp nhận công chức cấp huyện được thực hiện thông qua 02 hình thức: dự tuyển công chức và xem xét, tiếp nhận người đang làm công chức, cán bộ xã hoặc đang làm ở vị trí khác vào làm công chức cấp huyện trở lên.
Tuỳ vào mỗi hình thức thì tiêu chuẩn công chức cấp huyện được quy định cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Trường hợp công dân dự tuyển trực tiếp vào vị trí công chức cấp huyện.
Đối với trường hợp này, người dự tuyển vào công chức cấp huyện phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2019 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Cụ thể các điều kiện để đăng ký dự tuyển công chức cấp huyện bao gồm:
Về quốc tịch: Người dự tuyển là công dân Việt Nam;
Về tuổi: Người dự tuyển phải từ đủ 18 tuổi trở lên tính đến thời gian dự tuyển;
Về phẩm chất đạo đức, chính trị: Người dự tuyển phải đáp ứng tiêu chuẩn tốt về phẩm chất đạo đức, chính trị;
Về lý lịch: Người dự tuyển có sơ yếu lý lịch rõ ràng và có đơn dự tuyển theo mẫu được ban hành tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP;
Về trình độ học vấn: Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với vị trí công chức đăng ký dự tuyển;
Về điều kiện sức khoẻ: Đảm bảo có sức khoẻ tốt và được xác nhận bởi cơ sở y tế cấp huyện trở lên có thẩm quyền;
Ngoài ra, người dự tuyển cũng cần phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể khác theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng công chức cấp huyện và không thuộc các trường hợp bị cấm dự tuyển công chức theo quy định của Luật sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.
Trường hợp 2: Trường hợp tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện trở lên theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Đối với trường hợp này, người được tiếp nhận phải là các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 18, bao gồm:
“ a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Cán bộ, công chức cấp xã;
c) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;
d) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;
đ) Người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.”
Khi công dân thuộc diện được xét tuyển vào công chức cấp huyện như đã nêu thì cần phải đáp ứng được tất cả các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm các tiêu chuẩn sau:
Đối với viên chức, cán bộ hoặc công chức xã, người làm trong lực lượng vũ trang, làm trong ban cơ yếu nhưng không phải công chức khi xét tuyển vào vị trí công chức cấp huyện thì phải đảm bảo điều kiện về thời gian công tác: có đủ 05 năm công tác trở lên trong lĩnh vực, công việc có yêu cầu về trình độ, chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng;
Đối với những người đang nắm giữ các chức vụ quan trọng, chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 đã nêu trên thì khi xét tuyển vào công chức cấp huyện sẽ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn:
Về thời gian công tác: đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực được tiếp nhận;
Phải thuộc diện được quy hoạch vào chức vụ được bổ nhiệm hoặc tương đương.
Đối với người đã từng là công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển giữ vị trí không phải là công chức tại cơ quan tổ chức khác cần đáp ứng các điều kiện sau để được xét làm công chức cấp huyện:
Phải được cơ quan có thẩm quyền điều động, luân chuyển đến làm việc tại cơ quan, tỏ chức khác trong hệ thống chính trị;
Không cần đảm bảo về thời gian công tác như hai trường hợp trên.
(Lưu ý: Đây là trường hợp đặc biệt khi tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện thì không phải thông qua Hội đồng kiểm tra, sát hạch).
Trên đây những quy định về các chức danh công chức cấp huyện mà chúng tôi cập nhật đến quý ban đọc. Nếu có thắc mắc về quy định trên, vui lòng liên hệ ngay tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời và nhanh chóng.