hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 05/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Các khoản phụ cấp lương đối với lực lượng vũ trang

Các khoản phụ cấp lương đối với lực lượng vũ trang gồm những gì? Cùng đọc bài viết dưới đây của HieuLuat để nắm được các thông tin này.

Mục lục bài viết
  • Phụ cấp thâm niên vượt khung
  • Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo
  • Phụ cấp khu vực
  • Phụ cấp đặc biệt
  • Phụ cấp thu hút

Các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

Điều 23 Luật Quốc phòng 2018 quy định về thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân gồm: Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.

Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Đảng và Nhà nước; có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, thành quả cách mạng; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Các khoản phụ cấp lương đối với lực lượng vũ trang theo quy định tại Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, gồm:

Phụ cấp thâm niên vượt khung

Theo quy định tại khoản 1.1 Điều 1 Mục III Thông tư 04/2005/TT-BNV về mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung với từng đối tượng như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức đã có 03 năm xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh từ loại A0 đến A3 và trong chức danh chuyên môn nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát:

+ Mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung = 5% mức lương của bậc lương cuối cùng

+ Từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

- Cán bộ, công chức, viên chức đã có 02 năm xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại B và loại C và ngạch nhân viên thừa hành, phục vụ

+ Mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung = 5% mức lương của bậc lương cuối cùng

+ Từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm có đủ 02 tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

Như vậy phụ cấp thâm niên vượt khung được tính dựa trên mức lương của bậc lương cuối cùng. Do đó, khi lương cơ sở tăng, mức lương cũng tăng và phụ cấp thâm niên vượt khung cũng sẽ tăng theo.

Các đối tượng trên nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức hoặc cách chức thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật bị kéo dài thêm thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung so với thời gian quy định:
- Nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì bị kéo dài thêm 06 tháng so với thời gian quy định;
- Trường hợp bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức thì bị kéo dài thêm 12 tháng so với thời gian quy định.

- Phụ cấp thâm niên vượt khung được dùng để tính đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

các khoản phụ cấp lương đối với lực lượng vũ trang hiện nayQuy định về các khoản phụ cấp lương đối với lực lượng vũ trang.

Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo

Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan/đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan/đơn vị khác mà cơ quan/đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

Theo quy định thì mức phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Nếu kiêm nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo cũng chỉ hưởng một mức phụ cấp.

Phụ cấp khu vực

Phụ cấp khu vực áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu.

- Phụ cấp  khu vực gồm có 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 (so với mức lương tối thiểu chung)

- Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng vũ trang thì phụ cấp khu vực được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì.

Phụ cấp đặc biệt

Phụ cấp đặc biệt áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.

Phụ cấp đặc biệt gồm 3 mức: 30%; 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.

Phụ cấp thu hút

Phụ cấp thu hút áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.

Phụ cấp thu hút gồm có 4 mức: 20%; 30%; 50% và 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là từ 3 - 5 năm.

Phụ cấp lưu động

Phụ cấp lưu động áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.

Phụ cấp lưu động gồm có 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương tối thiểu chung.

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương.

Phụ cấp độc hại nguy hiểm gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung.

Phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc

Phụ cấp thâm niên nghề

Áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm.

Mức phụ cấp như sau: sau 5 năm tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi thì mỗi năm được tính thêm 1%.

Phụ cấp ưu đãi theo nghề

Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương.

Phụ cấp ưu đãi theo nghề gồm có 10 mức: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Phụ cấp trách nhiệm theo nghề

Áp dụng đối với các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và bảng lương chức vụ thuộc ngành Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra và một số chức danh tư pháp.

Phụ cấp trách nhiệm theo nghề gồm có 5 mức: 10%; 15%; 20%, 25% và 30% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề quy định tại quy định này thì không hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại điểm b khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Phụ cấp trách nhiệm công việc

+ Những người làm việc trong tổ chức cơ yếu được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bảo vệ cơ mật mật mã. Phụ cấp trách nhiệm công việc gồm 3 mức: 0,1; 0,2 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.

+ Những người làm những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc. Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.

Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh

Áp dụng đối với các đối tượng không thuộc diện xếp lương theo bảng 6 và bảng 7 quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 204/2004/NĐ-CP làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và cơ yếu. Cụ thể:

+ Bảng 6: Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân.
+ Bảng 7: Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân.

Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh gồm 2 mức: 30% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Trên đây là thông tin về Các khoản phụ cấp tiền lương đối với lực lượng vũ trang​. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X