hieuluat
Chia sẻ email

Các quy định về điều kiện giảm án hiện nay

Giảm án được xem như một sự khoan hồng của Nhà nước và pháp luật Việt Nam đối với người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy làm thế nào để được giảm án? Dưới đây là các quy định về điều kiện giảm án hiện nay

Mục lục bài viết
  • Điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 
  • Điều kiện giảm án treo
  • Điều kiện giảm án tù chung thân
  • Điều kiện giảm án tử hình

Điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 

Điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Căn cứ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017  thì hình phạt tù được xem là một biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc do Toà án có thẩm quyền quyết định nhằm tước đi quyền tự do của cá nhân/ pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội.

Theo quy định của bộ luật này, hiện nay Nhà nước ta đang áp dụng hai hình thức phạt tù đối với cá nhân/ pháp nhân thương mại vi phạm: Tù có thời hạn (Điều 38) và Tù chung thân (Điều 39). Theo đó, nếu người phạm tội bị Toà án tuyên chấp hành án phạt tù thì sẽ buộc phải cách ly với đời sống xã hội, phải sống dưới sự giám sát, quản lý chặt chẽ theo quy chế của trại giam nơi chấp hành án phạt tù.

Vậy làm thế nào để có thể giảm thời hạn chấp hành án phạt tù? Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC đã quy định về điều kiện để phạm nhân được quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù như sau:

  • Phạm nhân đã thi hành án phạt tù được ít nhất là ⅓ tổng thời hạn chấp hành án đối với khung hình phạt tù có thời hạn từ 30 năm trở xuống và 12 năm đối với tù chung thân;

  • Trong thời gian chấp hành án phạt tù theo quyết định/ bản án của Toà án có thẩm quyền, phạm nhân đã có nhiều tiến bộ thông qua việc chấp hành tốt các nội quy, quy định của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ nơi thi hành án; có sự tích cực trong việc học tập, lao động, cải tạo; có đủ kỳ được xếp loại chấp hành án phạt tù từ loại khá trở lên theo quy định.

Như vậy, nếu phạm nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của mình.

Việc quy định về điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với người phạm tội được xem như một sự khoan hồng, cởi mở của Nhà nước ta để cho những người phạm tội nhận thức hành vi, cố gắng học tập, cải tạo để từ đó được sớm hoà nhập với cộng đồng và trở thành công dân có ích sau khi hoàn tất thời gian chấp hành án phạt tù.

Điều kiện giảm án treo

Điều kiện giảm án treo

Điều kiện giảm án treo

Căn cứ theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì án treo là một hình thức thi hành án đối với người phạm tội bị Toà án tuyên mức phạt tù có thời hạn không có 03 năm, có nhân thân tốt và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng không cần thiết phải cách ly người phạm tội đó ra khỏi xã hội.

Cũng theo quy định này thì khi người phạm tội được Toà án tuyên cho hưởng án treo thì ngoài thời gian thi hành án đối với thời gian tuyên phạt theo quy định của tội danh cụ thể thì người phạm tội còn phải chấp hành cả thời gian thử thách trong khoảng từ 01 năm đến 05 năm tuỳ vào mức độ phạm tội cũng như khung hình phạt mà tội danh quy định.

Theo đó, khi xét đến vấn đề giảm án treo thì Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định về điều kiện để rút ngắn thời gian thử thách đối với người phạm tội.

Căn cứ theo khoản 4 Điều 65 Bộ luật Hình sự hiện hành thì điều kiện để xem xét giảm thời gian thử thách cho người chấp hành án treo được quy định như sau:

  • Người phạm tội được hưởng án treo đã chấp hành án được ½ thời gian thử thách theo quyết định/ bản án có hiệu lực của Toà án;

  • Trong thời gian chấp hành án treo tại địa phương, người phạm tội được hưởng án treo đã có nhiều tiến bộ.

Bên cạnh đó, tại Điều 89 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng quy định cụ thể hơn về điều kiện xem xét giảm thời gian thử thách cho người chấp hành án treo như sau:

  • Người phạm tội đã chấp hành án được ½ thời gian thử thách theo quyết định/ bản án có hiệu lực của Toà án;

  • Trong thời gian chấp hành thời gian thử thách, người phạm tội được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, các nghĩa vụ của công dân chịu sự giám sát của địa phương nơi cư trú, nơi làm việc theo quy định tại Điều 87 Luật này;

  • Trong thời gian chấp hành án treo tại địa phương, người được hưởng án treo đã tích cực học tập tiến bộ, tích cực lao động để sửa chữa lỗi lầm hoặc đã lập thành tích tốt trong việc lao động, bảo vệ trật tự và đuợc cơ quan có thẩm quyền tổ chức khen thưởng.

Tuy nhiên, đối với người phạm tội nhưng được hưởng án treo đáp ứng các quy định về thời gian chấp hành án và điều kiện về sự tiến bộ nhưng đã lập công trong các hoạt động lao động, học tập, chiến đấu,... hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì Toà án có thẩm quyền có thể tuyên rút hết thời gian thử thách còn lại mà người đó còn phải chấp hành.

Toà án cần căn cứ vào hướng dẫn được quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC để xác định “lập công” và “mắc bệnh hiểm nghèo” để xác định điều kiện rút hết thời gian thử thách còn lại cho người chấp hành án treo.

Theo đó, “lập công” và “mắc bệnh hiểm nghèo” được giải thích cụ thể như sau:

“Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của Nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận.

Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.”

Điều kiện giảm án tù chung thân

Điều kiện giảm án tù chung thân

Điều kiện giảm án tù chung thân

Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tù chung thân là một hình phạt tù không thời hạn được áp dụng thi hành đối với người phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức phải kết án tử hình.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, người phạm tội bị kết án tù chung thân được giảm mức phạt tù khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  • Phạm nhân đã thi hành án phạt tù được ít nhất 12 năm đối với tù chung thân;

  • Trong thời gian chấp hành án phạt tù theo quyết định/ bản án của Toà án có thẩm quyền, phạm nhân đã:

  • Có nhiều tiến bộ thông qua việc chấp hành tốt các nội quy, quy định của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ nơi thi hành án;

  • Có sự tích cực trong việc học tập, lao động, cải tạo;

  • Có ít nhất 04 năm liên tục liền kề với thời gian xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được xếp loại chấp hành án phạt tù từ loại khả trở lên.

Như vậy, khi người bị kết án phạt tù chung thân đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì sẽ được xem xét giảm thời hạn thi hành án.

Điều kiện giảm án tử hình

Án tử hình được xem là hình phạt cao nhất, là hình phạt đặc biệt đối với những người phạm tội thuộc nhóm tội đặc biệt nghiêm trong theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Tuy nhiên, người bị kết án tử hình vẫn được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét ân giảm xuống mức tù chung thân khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC:

  • Phạm nhân đã có nhiều tiến bộ thông qua việc chấp hành tốt các nội quy, quy định của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ nơi thi hành án;

  • Phạm nhân đã có sự tích cực trong việc học tập, lao động, cải tạo;

  • Phạm nhân có ít nhất 02 năm liên tục liền kề với thời gian xét giảm thời hạn chấp hành án được xếp loại từ loại khá trở lên.

Trên đây là các quy định về giảm án treo hiện nay mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X