Các tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn mới nhất 2021 - 2025 được thực hiện theo nội dung Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg. Việc đánh giá, xác định được tiến hành như sau:
Các tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn mới nhất 2021 - 2025
Căn cứ Điều 2, Điều 3 Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thì xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) phải đảm bảo:
- Thứ nhất: Là các xã có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng đạt tỷ lệ từ 15% (mười lăm phần trăm) trở lên.
- Thứ hai: Các xã này chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và phải có ít nhất là 01 trong 02 tiêu chí sau đây:
+ Hộ nghèo có tỷ lệ từ 20% trở lên. Lưu ý, với các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo là từ 15% trở lên hoặc xã đảm bảo có trên 150 hộ nghèo là hộ của người dân tộc thiểu số.
+ Tỷ lệ hộ nghèo: Từ 15% - dưới 20% (xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì yêu cấu tỷ lệ từ 12% - dưới 15%) và có 01 (một) trong các tiêu chí liệt kê dưới đây:
Hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số: Chiếm trên 60% tổng số hộ nghèo của xã đó;
Trong xã có số người dân tộc thiểu số độ tuổi từ 15 tuổi - 60 tuổi chưa biết đọc, viết tiếng phổ thông: Tỷ lệ từ 20% trở lên;
Số lao động có việc làm nhưng chưa được qua đào tạo từ 03 (ba) tháng trở lên tính trên tổng số lao động có việc làm: Tỷ lệ trên 80%;
Đường giao thông kéo dài từ trung tâm huyện - trung tâm xã dài trên 20 km: Có trên 50% số km đường giao thông chưa được rải nhựa hoặc chưa được đổ bê-tông.
Như vậy, việc xác định các xã đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2021 - 2025 dựa vào tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng như các tiêu chí về trình độ học vấn, lao động, đường giao thông,... của xã đó.
Quy trình xác định xã đặc biệt khó khăn
Việc xác định các xã đặc biệt khó khăn được thực hiện thông qua các cấp từ địa phương đến trung ương. Trên cơ sở quy định tại Điều 7 Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg thì quy trình xác định tiến hành như sau:
- Tại địa phương:
Trên cơ sở chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện của các cơ quan cấp trên, UBND cấp xã sẽ xác định xã đặc biệt khó khăn và lập báo cáo gửi đến UBND huyện.
UBND huyện sau khi nhận đủ hồ sơ của các xã trong huyện sẽ chỉ đạo tổng hợp, tiến hành rà soát, kiểm tra và lập báo cáo để gửi tới UBND tỉnh về kết quả xác định xã đặc biệt khó khăn.
UBND tỉnh nhận hồ sơ từ các huyện đầy đủ sẽ tiến hành rà soát, thẩm định cũng như hoàn thiện hồ sơ xác định xã đặc biệt khó khăn. Sau đó, gửi hồ sơ đến Ủy ban Dân tộc trong. Lưu ý: thời hạn gửi hồ sơ là 45 ngày làm việc kể từ ngày UBND tỉnh nhận được văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện xác định xã đặc biệt khó khăn của Cơ quan trung ương.
- Tại Trung ương: Ủy ban Dân tộc sau khi nhận hồ sơ từ các tỉnh thì tổng hợp, tổ chức thẩm định đồng thời báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt danh sách các xã đăc biệt khó khăn. Thời hạn thực hiện là 45 ngày làm việc kể từ ngày đã nhận đầy đủ hồ sơ của UBND tỉnh.
Hiện nay, danh sách xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 hay còn được gọi là xã khu vực III thực hiện theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó có 1551 xã được xác định là xã đặc biệt khó khăn. Bạn đọc có thể tham khảo danh sách chi tiết Tại đây.
Hồ sơ xác định xã đặc biệt khó khăn
Hồ sơ xác định xã đặc biệt khó khăn sẽ được UBND các cấp chuẩn bị gửi lên cơ quan cấp trên, cụ thể gồm những văn bản:
- UBND xã: Chuẩn bị 02 bộ hồ sơ:
Bảng đánh giá của xã về mức độ đạt hoặc không đạt tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn;
Danh sách các thôn đặc biệt khó khăn và các thôn được xác định là thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- UBND huyện: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gửi đến cấp tỉnh, gồm: Báo cáo kết quả và danh sách chi tiết xác định các xã đặc biệt khó khăn.
- UBND tỉnh chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gửi đến Ủy ban Dân tộc, bao gồm:
Báo cáo kết quả và danh sách chi tiết xác định các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III);
Quyết định phê duyệt đối với kết quả xác định tỷ lệ hộ nghèo;
Số liệu dân số, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số và các số liệu, tài liệu của xãliên quan đến các tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn;
Báo cáo thẩm định của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về công tác dân tộc.
Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ nếu hồ sơ chưa đảm bảo yêu cầu, chưa đầy đủ thì cấp tiếp nhận hồ sơ sẽ trả lời, hướng dẫn cụ thể cho địa phương để thực hiện.
Hiện nay, tuy danh sách xã đặc biệt khó khăn đã được phê duyệt nhưng với tình hình kinh tế thay đổi thì liệu sẽ điều chỉnh, bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn trong thời gian tới hay không?
Căn cứ các nội dung được đề cập tại Thông báo 133/TB-VPCP ngày 01/4/2024 của Văn phòng Chính phủ ban hành về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với các bộ, các cơ quan về dự thảo Quyết định điều chỉnh, bổ sung danh sách các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thì vấn đề này sẽ được các cơ quan, ban ngành phối hợp cùng thực hiện trong thời gian tới.
Trên đây là quy định về Các tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn mới nhất 2021 - 2025.
Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số 19006192 để được hỗ trợ