hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 29/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Các trường hợp bảo hiểm nhân thọ không bồi thường [Cập nhật 2023]

Hiện nay có rất nhiều người tham gia bảo hiểm nhân thọ. Đây là loại hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là tính mạng, sức khỏe con người. Tuy vậy vẫn có một số trường hợp bảo hiểm nhân thọ không bồi thường. 

 
Mục lục bài viết
  • Các trường hợp bảo hiểm nhân thọ không bồi thường
  • Không được bồi thường thì có được hoàn lại tiền bảo hiểm không?
Câu hỏi: Tôi định mua cho mẹ một gói bảo hiểm nhân thọ và nghe nói là có một số trường hợp bảo hiểm nhân thọ không bồi thường cho người được bảo hiểm. Không rõ quy định này ở đâu, cụ thể như thế nào? Rất mong nhận được giải đáp, tôi cảm ơn!

Các trường hợp bảo hiểm nhân thọ không bồi thường

Các trường hợp bảo hiểm nhân thọ không bồi thường

Nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ với mong muốn sẽ được nhận các khoản bồi thường khi không may xảy ra sự kiện bảo hiểm liên quan đến tính mạng, sức khỏe. Tuy nhiên,  theo khoản 1 Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì những trường hợp sau đây, bảo hiểm nhân thọ sẽ không bồi thường:

- Trường hợp 1: Người được bảo hiểm chết mà nguyên nhân là do tự tử, áp dụng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) khôi phục hiệu lực.

Có thể thấy, quy định hiện hành giới hạn rằng trong vòng 2 năm kể từ ngày nộp phí bảo hiểm đầu tiên hay ngày mà HĐBH khôi phục hiệu lực, nếu người được bảo hiểm tự tử chết thì sẽ loại trừ trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bán bảo hiểm nhân thọ. Sau thời hạn này thì việc bồi thường sẽ thực hiện như thông thường.

- Trường hợp 2: Người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng, trừ trường hợp: “có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”

Theo đó, người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua/người hưởng thụ thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải bồi thường. Lỗi cố ý được xác định thông qua ý chí, mục đích, hành vi của bên mua bảo hiểm/người hưởng thụ.

- Trường hợp 3: Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính người này hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, trừ trường hợp “có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm” như đã nêu tương tự ở TH2.

Nhận thấy rằng ở các trường hợp 2, trường hợp 3, với lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hay người hưởng thụ dẫn đến cái chết, thương tật của người được bảo hiểm thì bên bán bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm bồi thường. 

Sở dĩ có quy định này là phù hợp với thực tế, tránh trường hợp bên mua ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm xong thì tìm cách, cố tình tạo ra sự kiện bảo hiểm (làm cho người được bảo hiểm bị thương tật/bị chết) để được nhận tiền bảo hiểm, hưởng lợi, trong khi thời gian đóng bảo hiểm là rất ngắn.

- Trường hợp 4: Người được bảo hiểm chết vì bị thi hành án tử hình.

Người được bảo hiểm bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị thi hành án tử hình thì sẽ không được nhận tiền bảo hiểm.

- Trường hợp 5: Các trường hơp khác mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, đảm bảo không vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội. Do đó việc tự thỏa thuận các trường hợp không được bảo hiểm nhân thọ bồi thường là điều được chấp nhận. Hai bên cần trao đổi cụ thể, dự liệu các tình huống có thể xảy ra để thỏa thuận không bồi thường.

Pháp luật đã quy định cụ thể các trường hợp mà bảo hiểm nhân thọ không bồi thường, người mua bảo hiểm cần nắm rõ nội dung này để tránh gặp phải, đảm bảo tối đa quyền lợi hợp pháp của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Ngoài ra, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm cần lưu ý những vấn đề như:

- Có thể mua bảo hiểm cho chính bản thân mình hoặc những người thân như vợ/chồng, con, bố, mẹ, anh chị em ruột,...

- Tại thời điểm ký HĐBH thì bên mua phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm (chính là tuổi tác, sức khỏe, tính mạng)

- Có thể thỏa thuận đóng phí bảo hiểm 1 lần hoặc chia thành nhiều lần theo thời hạn, thỏa thuận về phương thức đóng

- Thời hạn của HĐBH sẽ do các bên cân nhắc lựa chọn, thống nhất. Với những HĐBH có thời hạn trên 01 năm thì trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.

Không được bồi thường thì có được hoàn lại tiền bảo hiểm không?

Không được bồi thường thì có được hoàn lại tiền bảo hiểm không?

Khoản 1, khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:

“1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp sau đây:

….

3. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.”

Theo quy định nêu trên, trường hợp không được bồi thường bảo hiểm thì bên bán bảo hiểm sẽ hoàn lại toàn bộ tiền theo giá trị hợp đồng đã thỏa thuận hoặc toàn bộ chi phí bảo hiểm sau khi đã trừ đi chi phí hợp lý khác. 

Như vậy, về cơ bản thì bên mua sẽ được hoàn lại tiền bảo hiểm nếu thuộc một trong các trường hợp không được bồi thường.

Các thắc mắc về vấn đề Các trường hợp bảo hiểm nhân thọ không bồi thường (Cập nhật 2023) đã được giải đáp trong bài viết trên đây. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc các vấn đề pháp luật khác, các bạn vui lòng liên hệ tổng đài: 1900.6199 để được giải đáp một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X