hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 06/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa [Mới nhất]

Hiện nay, khi lựa chọn sản phẩm, người dùng vô cùng quan tâm đến ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm. Vậy, ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên hàng hóa sao cho đúng pháp luật? Cùng nghiên cứu tại bài viết dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • Hàng hóa có bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng không?
  • Cách ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa
  • Giải đáp liên quan đến cách ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa
  • Ký hiệu của ngày sản xuất và hạn sử dụng trên hàng hóa
  • Ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng của hàng hóa ở đâu?
Câu hỏi: Ngày sản xuất và hạn sử dụng được ghi trên hàng hóa thế nào? Có bắt buộc ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên nhãn không?

Hàng hóa có bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng không?

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP), những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa bao gồm:

  • Tên của hàng hóa;

  • Tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm về sản phẩm;

  • Xuất xứ hàng hóa;

  • Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định Nghị định 111/2021/NĐ-CP.

Hàng hóa phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng

Hàng hóa phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng

Theo đó, các sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn sản phẩm bao gồm:

  • Lương thực;

  • Thực phẩm;

  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

  • Thực phẩm đã qua chiếu xạ;

  • Thực phẩm biến đổi gen;

  • Đồ uống;

  • Thuốc lá;

  • Phụ gia chế biến thực phẩm;

  • Vi chất dinh dưỡng;

  • Nguyên liệu thực phẩm;

  • Thuốc dùng cho người;

  • Mỹ phẩm;

  • Hóa chất gia dụng;

  • Thức ăn chăn nuôi;

  • Thuốc thú y, vacxin dùng trong thú y;

  • Thức ăn thủy sản;

  • Thuốc bảo vệ thực vật;

  • Giống cây trồng;

  • Giống vật nuôi;

  • Giống thủy sản;….

Như vậy, đối với những sản phẩm được liệt kê trên đây bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên nhãn sản phẩm.

Hàng hóa san chia, sang chiết, nạp hoặc đóng gói lại bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Cách ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, ngày sản xuất và hạn sử dụng của hàng hóa được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm dương lịch, nếu ghi theo thứ tự khác phải có chú thích bằng tiếng Việt.

  • Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ nằm của ngày sản xuất và hạn sử dụng được ghi bằng 02 chữ số (có thể ghi số chỉ năm bằng 04 chữ số). Số chỉ ngày, tháng, năm của ngày sản xuất và hạn sử dụng phải ghi cùng một dòng.

  • Nếu ghi tháng sản xuất thì ghi tháng, năm dương lịch.

  • Nếu ghi năm sản xuất thì ghi 04 chữ số chỉ năm dương lịch.

  • Ngày sản xuất và hạn sử dụng được ghi đầy đủ trên nhãn sản phẩm là “ngày sản xuất”, “hạn sử dụng” hoặc “hạn dùng” hoặc ghi tắt bằng chữ in hoa “NSX”, “HSD” hoặc “HD”.

Nếu hàng hóa bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I Nghị định Nghị định 111/2021/NĐ-CP mà nhãn hàng hóa đã ghi ngày sản xuất theo quy định trên đây thì hạn sử dụng được ghi là khoảng thời gian kể từ ngày sản xuất. Nếu nhãn hàng hóa đã ghi hạn sử dụng thì ngày sản xuất ghi là khoảng thời gian trước hạn sử dụng.

Cách ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa

Cách ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa

Cách ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng cụ thể như sau:

STT

TRƯỜNG HỢP

CÁCH GHI

1

Cách ghi ngày, tháng, năm đối với ngày sản xuất, hạn sử dụng, hạn bảo quản quy định tại Điều 14 Nghị định này. Giữa ngày, tháng, năm có thể dùng dấu chấm (.), dấu gạch chéo (/), dấu gạch ngang (-) hoặc dấu cách ( ).

- NSX: 020416
HSD: 021018; hoặc

- NSX 02 04 16
HSD 02 10 18; hoặc

- NSX: 02042016
HSD: 02102018; hoặc

- NSX: 02042016
HSD: 02 10 2018; hoặc

- NSX: 02/04/16
HSD: 02/10/18; hoặc

- NSX: 020416
HSD: 30 tháng; hoặc

- NSX: 020416
HSD: 30 tháng kể từ NSX.

- HSD: 021018
NSX 30 tháng trước HSD

- NSX: 160402 (năm/tháng/ngày)
- HSD: 181002 (năm/tháng/ngày)

2

Trường hợp không ghi được chữ “NSX”, “HSD” cùng với chữ số chỉ ngày, tháng, năm thì phải hướng dẫn trên nhãn.

Ví dụ: ở đáy bao bì ghi thời gian sản xuất và hạn sử dụng là “020416 021018” thì trên nhãn phải ghi như sau: “Xem NSX, HSD ở đáy bao bì”.

3

Trường hợp trên nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài NSX”, “HSD” thì phải hướng dẫn trên nhãn.

Ví dụ: Ở bao bì ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng là “MFG 020416 EXP 021018” thì trên nhãn phải ghi như sau: NSX, HSD xem “MFG” “EXP” trên bao bì.

4

Quy định ghi tháng sản xuất thì ghi số chỉ tháng và số chỉ năm.

Ví dụ: Sản xuất tháng 2 năm 2006, trên nhãn ghi là “SX 02/16” hoặc “SX 02/2016” hoặc “Sản xuất tháng 02 năm 2016”.

5

Quy định ghi năm sản xuất thì phải ghi cả 4 chữ số chỉ năm.

Sản xuất năm 2016 thì trên nhãn ghi là “Sản xuất năm 2016” hoặc “Năm sản xuất: 2016”.

6

Hạn sử dụng theo quy định tại khoản 11 Điều 3 của Nghị định /2017/NĐ-CP còn được thể hiện bằng: Hạn sử dụng cuối cùng (Expiration date hoặc use by dates) và hạn sử dụng tốt nhất (Best if used by dates hoặc Best before dates).

- Hạn sử dụng cuối cùng (Expiration date hoặc use by dates) ghi như hạn sử dụng và được viết tắt là “HSD” theo trường hợp 1, 2, 3 Mục này.

- Hạn sử dụng tốt nhất (Best before dates) phải ghi đầy đủ cả cụm từ là “Sử dụng tốt nhất trước...”. Việc ghi mốc thời gian sau cụm từ “Sử dụng tốt nhất trước” theo quy định tại trường hợp 1, 2 hoặc 3 Mục này.

Giải đáp liên quan đến cách ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa

Dưới đây sẽ là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến vấn đề ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa:

Ký hiệu của ngày sản xuất và hạn sử dụng trên hàng hóa

Hiện nay, các doanh nghiệp thường ký hiệu ngày sản xuất và hạn sử dụng là MFG và EXP. Trong đó, MFG là ký hiệu của ngày sản xuất và  EXP là ký hiệu của hạn sử dụng.

Ngoài ra một số các sản phẩm được sử dụng các ký hiệu như BBE/BE/BB (sử dụng tốt đến ngày…), UB (hạn sử dụng/sử dụng đến ngày…), PAO (hạn sử dụng sau khi mở sản phẩm).

Ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng của hàng hóa ở đâu?

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể dễ dàng nhận biết đầy đủ các nội dung của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết của hàng hóa.

Có thể ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa trên vị trí khác của hàng hóa

Có thể ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa trên vị trí khác của hàng hóa

Bên cạnh đó, tại Điều 4 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN có quy định nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa không cần thể hiện tập trung trên nhãn hàng hóa. Những nội dung này có thể ghi trên vị trí khác của hàng hóa, chỉ cần bảo đảm khi quan sát có thể dễ dàng nhận biết được đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết của hàng hóa.

Như vậy, ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa không bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa. Có thể ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng hàng hóa trên vị trí khác của hàng hóa, chỉ cần bảo đảm sự dễ dàng nhận biết trên hàng hóa.

Kể từ ngày sản xuất là sao?

Doanh nghiệp có thể ghi hạn sử dụng của sản phẩm như sau:

“Ngày sản xuất: dd/mm/yy

Hạn sử dụng: N ngày/tháng/năm kể từ ngày sản xuất”

Có thể hiểu khoảng thời gian (N ngày/tháng/năm) kể từ ngày sản xuất chính là hạn sử dụng của sản phẩm. Như vậy, trong ví dụ nêu trên, hạn sử dụng của sản phẩm là N ngày/tháng/năm kể từ ngày sản xuất dd/mm/yy.

Trên đây là nội dung liên quan đến cách ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng của hàng hóa. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết trên vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X