Người tham gia quân ngũ có được đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội? Cách tính đóng bảo hiểm xã hội trong quân đội như thế nào? Tất cả những nội dung liên quan đến BHXH của quân nhân được chúng tôi giải đáp dưới đây.
Quân nhân có bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì quân nhân là một trong những đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.
Theo đó, quân nhân được nhắc đến gồm có:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân; sĩ quan và các hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan và hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân; những người làm công tác cơ yếu được hưởng lương tương tự như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, các chiến sĩ trong quân đội nhân dân; hạ sĩ quan và chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, học viên công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí theo quy định nhà nước.
Như vậy, quân nhân phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đơn vị nơi quân nhân học tập, làm việc sẽ có trách nhiệm thực hiện đăng ký bảo hiểm xã hội cho quân nhân theo đúng quy định pháp luật. Khi tham gia và đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, quân nhân có thể được hưởng các chế độ: Thai sản, ốm đau, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp và hưu trí, tử tuất.
Cách tính đóng bảo hiểm xã hội trong quân đội
Hiện nay Thông tư 37/2017/TT-BQP quy định rõ về cách đóng bảo hiểm xã hội cho quân nhân trong quân đội như sau:
- Quân nhân chuyên nghiệp có tổng mức đóng BHXH là 26% nhân với mức tiền lương tháng đóng BHXH của quân nhân chuyên nghiệp. Cụ thể, đơn vị đóng 18% và quân nhân đóng 8%.
- Quân nhân hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí nêu tại mục 1 đóng BHXH với mức 23% x Mức lương cơ sở. Mức này do đơn vị nơi quân nhân làm việc/học tập đóng.
- Đối với Người hưởng chế độ phu nhân hoặc người hưởng chế độ phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì được đóng BHXH hàng tháng vào 02 quỹ (quỹ hưu trí và quỹ tử tuất) với mức đóng như sau:
+ Người đã tham gia BHXH bắt buộc thì mức đóng = 22% x Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi người đó ra nước ngoài;
+ Người chưa đóng BHXH bắt buộc hoặc người đã đóng nhưng đã hưởng BHXH 1 lần thì mức đóng = 22% x 02 x Mức lương cơ sở xác định tại thời điểm được đóng BHXH.
Theo đó pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho các đối tượng là quân nhân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ trong thời gian công tác tại quân đội.
Lưu ý: Cách tính này sẽ được điều chỉnh khi cải cách tiền lương, bãi bỏ lương cơ sở.
Chế độ bảo hiểm xã hội trong quân đội
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật BHXH năm 2014 và Điều 3 Nghị định 33/2016/NĐ-CP thì quân nhân tham gia BHXH được hưởng các chế độ tương ứng với từng đối tượng như sau:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân thì được hưởng đầy đủ 05 chế độ là: ốm đau, thai sản, hưu trí, chế độ tử tuất và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ BNN) theo quy định pháp luật.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ hoặc học viên cơ yếu thì được hưởng 03 chế độ là hưu trí, tử tuất và chế độ TNLĐ BNN.
Về cơ bản, điều kiện để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong đội cũng tương tự như trường hợp người lao động làm việc bên ngoài môi trường này, ví dụ như:
- Chế độ thai sản: Áp dụng cho các nữ quân nhân (mang thai, mang thai hộ,..) gồm các chế độ nghỉ việc khám thai, nghỉ thai sản, nghỉ dưỡng sức sau khi sinh. Đồng thời cũng được áp dụng cho các nam quân nhân đang đóng BHXH có vợ sinh con.
- Chế độ hưu trí: Pháp luật đặt ra các điều kiện về độ tuổi, thời gian tham gia BHXH hay các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi tương tự như người lao động ngoài quân đội.
Trên đây là cách tính đóng bảo hiểm xã hội trong quân đội mà chúng tôi tổng hợp và cung cấp tới bạn đọc.
Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số 19006192 để hỗ trợ, giải đáp