hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 09/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách tính lãi suất chậm trả trong hợp đồng vay tiền thế nào?

Cách tính lãi suất chậm trả trong hợp đồng vay tiền dân sự như thế nào? Lãi chậm trả và lãi phạt vi phạm có giống nhau không? Có buộc phải quy định lãi chậm trả không?

 
Mục lục bài viết
  • Cách tính lãi suất chậm trả trong hợp đồng vay tiền thế nào?
  • Lãi chậm trả và phạt vi phạm có giống nhau không?
  • Buộc phải quy định về lãi suất chậm trả trong hợp đồng không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có vướng mắc liên quan đến hợp đồng vay tiền mong được giải đáp như sau:

Một là, lãi suất chậm trả trong hợp đồng vay tiền giữa cá nhân và cá nhân hoặc vay tiền tại các tiệm cầm đồ được tính như thế nào?

Hai là, trong trường hợp hợp đồng vay tiền không quy định hoặc thỏa thuận về lãi suất chậm trả thì có được phép áp dụng không?

Ba là, có được phép cùng áp dụng lãi suất phạt vi phạm và lãi chậm trả không?

Chào bạn, cách tính lãi suất chậm trả trong vay dân sự như thế nào, có buộc phải quy định lãi phạt trong hợp đồng không là những vướng mắc được chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Cách tính lãi suất chậm trả trong hợp đồng vay tiền thế nào?

Đầu tiên, lãi suất chậm trả được hiểu là lãi suất được áp dụng trong trường hợp bên có nghĩa vụ trả tiền không trả đầy đủ, đúng hạn đối với số tiền vay.

Đây là nghĩa vụ của bên vay và mức lãi suất này được áp dụng theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, mức lãi suất mà bên vay bị áp dụng đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả là một trong hai loại lãi suất sau đây:

Một là, lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất tối đa luật định

  • Lãi suất này không được vượt quá 20%/năm và có thể thay đổi nếu có dự điều chỉnh của Quốc hội dựa theo tình hình thực tế và đề xuất của Chính phủ;

  • Mức lãi suất này phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay tiền/hoặc bằng hình thức khác thể hiện có thỏa thuận về lãi suất chậm trả;

Hai là, lãi suất theo luật định

  • Khoản 2 Điều 357 quy định mức lãi suất chậm trả (lãi suất áp dụng trên số tiền chậm trả của bên vay) không được vượt quá 10%/năm;

  • Áp dụng mức lãi suất chậm trả này nếu các bên không có thỏa thuận về lãi suất chậm trả hoặc không xác định rõ lãi suất chậm trả trong hợp đồng vay;

Như vậy, từ các căn cứ trên, suy ra, cách tính lãi suất chậm trả được dựa trên sự thỏa thuận của các bên hoặc được áp dụng theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp các bên tự thỏa thuận thì lãi suất này không được vượt quá 20%/năm, còn trong trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc không xác định rõ lãi suất thì mức lãi suất được áp dụng là 10%/năm.

Cách tính lãi suất chậm trả trong hợp đồng vay dân sựCách tính lãi suất chậm trả trong hợp đồng vay dân sự

Lãi chậm trả và phạt vi phạm có giống nhau không?

Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất chậm trả là lãi suất được quy định tại Điều 357, lãi suất phạt vi phạm là lãi suất được quy định tại Điều 418.

Đây là 2 điều khoản khác nhau trong hợp đồng vay tài sản và là hai mức lãi suất khác nhau hoàn toàn.

Các bên có thể ấn định con số lãi suất là giống nhau nhưng bản chất pháp lý của hai loại lãi suất này là khác nhau.

Sự khác nhau của lãi chậm trả và phạt vi phạm được thể hiện thông qua một vài tiêu chí như: 

Chi tiết được chúng tôi phân tích, liệt kê ở bảng dưới đây:

Tiêu chí

Lãi chậm trả

Phạt vi phạm

Định nghĩa

  • Được quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự;

  • Là khoản lãi suất áp dụng trên số tiền chậm trả của bên vay tiền mà khi tới hạn trả nợ bên vay đã không trả/hoặc trả không đầy đủ;

  • Được quy định tại Điều 418 Bộ luật Dân sự;

  • Là khoản tiền mà bên vi phạm nghĩa vụ phải trả/nộp cho bên bị vi phạm;

Hình thức thể hiện

  • Là điều khoản không bắt buộc phải quy định, thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng;

  • Được thể hiện thông qua lãi suất cụ thể;

  • Là điều khoản bắt buộc phải được quy định, thỏa thuận trong hợp đồng thì mới được áp dụng;

  • Có thể được áp dụng dưới hình thức lãi suất hoặc quy định số tiền phạt cụ thể;

Mức lãi suất 

  • Tối đa là 20%/năm nếu có thỏa thuận trong hợp đồng;

  • Tối đa là 10%/năm nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận

Được tự do thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định về phạt vi phạm cụ thể, ví dụ như Luật Thương mại quy định về phạt vi phạm;

Điều kiện áp dụng

Không cần phải được thỏa thuận, ghi nhận trong hợp đồng vay tiền mà đã áp dụng

Phải được thỏa thuận trong hợp đồng vay tiền thì mới được áp dụng

Bên bị áp dụng

Bên vay tiền

Bên vi phạm nghĩa vụ, bao gồm cả bên vay tiền và bên cho vay tiền

Như vậy, cách tính lãi suất chậm trả trong cho vay dân sự được căn cứ vào quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự.

Theo quy định này, mức lãi suất chậm trả mà bên vay bị áp dụng thực hiện tối đa là 20%/năm, hoặc 10%/năm, tùy thuộc từng trường hợp cụ thể.

Lãi suất chậm trả và phạt vi phạm (lãi phạt vi phạm hoặc số tiền bị phạt vi phạm) là hai điều khoản khác nhau của hợp đồng vay tiền.

 Lãi phạt chậm trả và phạt vi phạm là khác nhauLãi phạt chậm trả và phạt vi phạm là khác nhau

Buộc phải quy định về lãi suất chậm trả trong hợp đồng không?

Hợp đồng vay tài sản không bắt buộc phải quy định về điều khoản lãi suất chậm trả nhưng vẫn được áp dụng nếu bên vay vi phạm nghĩa vụ trả tiền theo thỏa thuận giữa các bên.

Điểm khác biệt giữa việc có thỏa thuận về lãi suất chậm trả trong hợp đồng và không quy định hoặc quy định không chính xác mức lãi suất là mức lãi suất cụ thể được áp dụng.

Cụ thể, như đã trình bày, lãi suất chậm trả được áp dụng với bên vay tiền đối với số tiền chậm trả.

Mức lãi suất này được áp dụng dựa trên sự thỏa thuận của các bên nhưng bị giới hạn là 20%/năm hoặc 10%/năm, phụ thuộc các bên có thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận/không thỏa thuận chính xác mức lãi suất.

Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.

Từ quy định trên, suy ra, mức lãi suất chậm trả không buộc phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản nhưng vẫn được áp dụng khi bên vay vi phạm.

Nói cách khác, hợp đồng vay tài sản không buộc phải có điều khoản lãi suất chậm trả nhưng bên cho vay vẫn có quyền yêu cầu bên vay tiền phải có nghĩa vụ trả khoản tiền chậm trả được tính theo mức lãi suất này.

Như vậy, cách tính lãi suất chậm trả trong hợp đồng vay tiền (vay dân sự giữa cá nhân với cá nhân hoặc cá nhân với chủ tiệm cầm đồ…) được tính dựa trên quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, mức lãi suất được áp dụng tối đa là 20%/năm hoặc 10%/năm, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Do số tiền chậm trả theo lãi suất chậm trả mà bên vay có nghĩa vụ nộp cho bên cho vay được tính dựa trên số ngày chậm trả tiền nên bên vay cần đặc biệt lưu ý, bởi nếu càng vi phạm thời hạn trả tiền thì số tiền chậm trả càng lớn.

Trên đây là giải đáp về cách tính lãi suất chậm trả, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X