hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 22/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách tính lãi suất vay ngân hàng nhanh và đơn giản nhất

Cách tính lãi suất vay ngân hàng, lãi vay quá hạn thanh toán khiến không ít người loay hoay. Cùng tìm hiểu về nội dung này thông qua bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Cách tính lãi suất vay ngân hàng nhanh, đơn giản nhất
  • Cách tính lãi vay quá hạn thanh toán
  • Có được thỏa thuận lãi suất vay ngân hàng không?
Câu hỏi: Tôi đang có ý định vay tiền ngân hàng, tôi không biết vay ngân hàng thì tính lãi như thế nào? Tôi có được thỏa thuận lãi suất vay ngân hàng hay không?

Cách tính lãi suất vay ngân hàng nhanh, đơn giản nhất

Cách tính lãi suất vay ngân hàng nhanh, đơn giản nhấtCách tính lãi suất vay ngân hàng nhanh, đơn giản nhất

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2017/TT-NHNN có quy định công thức tính lãi áp dụng trong việc cấp tín dụng (hoạt động cho vay) như sau:

- Số tiền lãi ngày = (Số dư thực tế  x  Lãi suất tính lãi)/365

- Số tiền lãi của kỳ tính lãi = ∑ (Số dư thực tế  x  Số ngày duy trì số dư thực tế  x  Lãi suất tính lãi)/365

Trong đó:

  • Số dư thực tế là số dư đầu ngày tính lãi của số dư tiền gửi, số dư nợ gốc trong hạn hoặc quá hạn, số dư lãi chậm trả thực tế khách hàng phải trả cho ngân hàng;

  • Lãi suất tính lãi được xác định theo tỷ lệ %/năm;

  • Số ngày duy trì số dư thực tế là số ngày số dư thực tế đầu mỗi ngày không có sự thay đổi.

Ngoài ra, tùy theo thỏa thuận thì lãi suất vay có thể được tính theo số dư nợ gốc hoặc theo số dư nợ giảm dần, cụ thể 02 cách tính lãi suất vay ngân hàng này có công thức như sau:

Cách 1: Tính lãi suất vay ngân hàng theo số dư nợ gốc

Số tiền lãi của kỳ tính lãi = Dư nợ gốc x Lãi suất tính theo kỳ

Cách 2: Tính lãi suất vay ngân hàng theo số dư nợ giảm dần

- Số tiền lãi của kỳ đầu tiên= Số tiền vay x Lãi suất tính theo kỳ

- Tiền lãi của các kỳ tiếp theo = (Số tiền gốc ban đầu - số tiền gốc đã trả) x Lãi suất tính theo kỳ

Cách tính lãi vay quá hạn thanh toán

Cách tính lãi vay quá hạn thanh toán

Cách tính lãi vay quá hạn thanh toán

Căn cứ khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN có quy định nếu đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả nhưng không đủ cả nợ gốc, lãi tiền vay thì tính lãi vay quá hạn thanh toán như sau:

- Lãi trên nợ gốc tính theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

- Nếu khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi thì phải trả lãi chậm trả theo thỏa thuận tuy nhiên không được vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng thời gian chậm trả;

- Nếu khoản nợ vay chuyển nợ quá hạn thì khách hàng này phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng thời gian chậm trả, mức lãi suất áp dụng không được vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Có được thỏa thuận lãi suất vay ngân hàng không?

Căn cứ khoản 2 Điều 91 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 có quy định ngân hàng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất trong hoạt động cho vay theo quy định pháp luật.

Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN có quy định ngân hàng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay tùy theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn cũng như tùy vào mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ những trường hợp NHNN Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa.

Mức lãi suất cho vay tối đa này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tương ứng với từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu về vốn.

Về đối tượng áp dụng, theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN, lãi suất cho vay tối đa được áp dụng đối với những khách hàng được đánh giá có tình hình tài chính minh bạch và lành mạnh vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để thực hiện những nhu cầu:

- Thứ nhất là phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn theo quy định Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Thứ hai là thực hiện phương án kinh doanh hàng hóa xuất khẩu theo quy định Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại;

- Thứ ba là phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ & vừa theo quy định Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Thứ tư là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

- Cuối cùng là phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao.

Như vậy, pháp luật cho phép khách hàng với ngân hàng được thỏa thuận lãi suất vay tùy vào nhiều yếu tố như nhu cầu, thị trường, sự tín nhiệm,...

Tuy nhiên đối với một số trường hợp nêu trên, mức lãi suất thỏa thuận giữa các bên không được vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa theo quy định hiện hành.

Mới nhất, tại Quyết định 1125/QĐ-NHNN 2023 thì mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam được áp dụng từ 19/6/2023 là 4,0%/năm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 5,0%/năm đối với quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô.

Trên đây là thông tin về cách tính lãi suất vay ngân hàng. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X