Giáo viên làm việc tại vùng 135 - nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn sẽ được nhận lương và các khoản phụ cấp khác. Vậy cách tính lương giáo viên vùng 135 như thế nào?
Vùng 135 là gì? Giáo viên vùng 135 là gì?
Vùng 135 hay chương trình 135 là thuật ngữ khá quen thuộc với chúng ta tuy nhiên lại không có văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra định nghĩa vùng 135 là gì?
Thông qua cách sử dụng thuật ngữ này trên thực tế thì vùng 135 được hiểu là những xã thuộc khu vực III - vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đảo hoặc các thôn, xóm,... có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, các huyện đảo (huyện đảo Hoàng Sa, huyện đảo Trường Sa, DK1).
Việc xác định vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn sẽ dựa trên các tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, số lao động có việc làm nhưng lại chưa được qua đào tạo, đường giao thông,... Danh sách các xã thuộc vùng 135 theo từng giai đoạn sẽ được Thủ tướng chính phủ quyết định và công bố.
Giáo viên vùng 135 chính là các giáo viên đang giảng dạy, làm việc tại các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, ... đóng tại địa bàn xã thuộc vùng 135. Những giáo viên này làm việc tại vùng 135 theo sự phân công, điều đồng của cơ quan, đơn vị cấp trên có thẩm quyền.
Cách tính lương giáo viên vùng 135
Tiền lương giáo viên vùng 135 được xác định theo công thức sau đây:
Lương giáo viên vùng 135 = Hệ số lương x Mức lương cơ sở + Chế độ phụ cấp được hưởng (phụ cấp ưu đãi giáo viên + phụ cấp đối với người đang công tác tại vùng khó khăn + phụ cấp thâm niên) - Mức đóng Bảo hiểm xã hội.
Theo đó:
- Hệ số lương sẽ được xác định tùy thuộc vào các hạng giáo viên (giáo viên Mầm non/Tiểu học/THCS/THPT hạng I, II, III);
- Mức lương cơ sở hiện tại theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP là 1.800.000 đồng/tháng.
- Chế độ phụ cấp ưu đãi:
Thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BT. Công thức tính phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên là:
“Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.”.
- Phụ cấp thâm niên nhà giáo
Theo Nghị định 77/2021/NĐ-CP thì công thức tính phụ cấp thâm niên nhà giáo như sau:
Mức tiền phụ cấp thâm niên | = | Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng | x | Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ | x | Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng |
Các loại phụ cấp của giáo viên dạy tại vùng 135
Theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP thì giáo viên dạy tại vùng 135 được nhận các loại phụ cấp sau đây:
- Phụ cấp thu hút
Theo Điều 4 Nghị định này thì Phụ cấp thu hút = 70% nhân với (mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên, nếu có)
Thời gian nhận phụ cấp thu hút tối đa là 05 năm (60 tháng).
- Phụ cấp công tác lâu năm
Theo Điều 5 Nghị định 76 thì có 3 mức phụ cấp 0,5; 0,7; và 1 tính trên mức lương cơ sở, áp dụng với người có thời gian làm việc thực tế tại vùng 135 khác nhau, cụ thể như sau:
STT | Thời gian làm việc tạo vùng 135 | Hệ số | Phụ cấp (VNĐ) |
1 | Từ đủ 05 - dưới 10 năm | 0,5 | 0,5 x 1.800.000 = 900.000 |
2 | Từ đủ 10 - dưới 15 năm | 0,7 | 0,7 x 1.800.000 = 1.260.000 |
3 | Từ đủ 15 năm trở lên | 1,0 | 1 x 1.800.000 = 1.800.000 |
- Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng 135
Theo Điều 6 Nghị định thì giáo viên khi nhận công tác lần đầu tại vùng 135 sẽ được hưởng trợ cấp như sau:
+ Trợ cấp lần đầu = 10 tháng lương cơ sở = 10 x 1.800.000 = 18.000.000 VNĐ
Khoản trợ cấp này sẽ thực hiện một lần trong tổng thời gian thực tế giáo viên làm việc ở vùng 135.
+ Nếu có gia đình cùng đến vùng 135 công tác thì ngoài trợ cấp lần đầu, giáo viên sẽ nhận thêm các khoản: tiền tàu xe đi lại, các hành lý cho các thành viên trong gia đình và trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.
- Trợ cấp tiền để mua và vận chuyển nước ngọt và sạch
Căn cứ Điều 7 Nghị định 76 năm 2019 thì công thức tính tiền trợ cấp như sau:
“Mức trợ cấp được hưởng 01 tháng là: a x (c - d).
Mức trợ cấp được hưởng trong 01 năm là: a x (c - d) x b.
Trong đó:
+ Định mức tiêu chuẩn: 6 mét khối/người/tháng (a);
+ Số tháng thực tế thiếu nước ngọt và sạch trong 1 năm (b);
+ Chi phí mua và vận chuyển 01 mét khối nước ngọt và sạch đến nơi ở và nơi làm việc của đối tượng được hưởng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định (c);
+ Giá nước ngọt và sạch để tính chi phí nước ngọt và sạch trong tiền lương là giá kinh doanh 01 mét khối nước sạch do cấp có thẩm quyền ở địa phương quy định (d).”
- Trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng 135 hoặc khi nghỉ hưu
Theo Điều 8 thì số tiền trợ cấp sẽ tính theo số năm công tác ở vùng 135. Cách tính = 1/2 x Mức lương hiện hưởng x Số năm công tác.
- Tiền tàu xe khi giáo viên nghỉ hàng năm, nghỉ lễ tết, nghỉ việc riêng và về thăm gia đình.
- Trợ cấp khi tham quan, học tập hay bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
Giáo viên được nhận tiền hỗ trợ mua tài liệu và nhận tiền hỗ trợ là 100% tiền học phí/ chi phí đi lại từ nơi làm việc - nơi học tập.
- Phụ cấp ưu đãi nghề
Theo Điều 11 Nghị định 76 thì Phụ cấp ưu đãi theo nghề = 70% x (Mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có).
Tuy nhiên, khi thực hiện cải cách, thời điểm dự kiến là 07/2024 thì giáo viên cũng như cán bộ, công viên chức sẽ không còn được hưởng một số khoản phụ cấp như hiện hành.
Trên đây là nội dung giúp bạn đọc nắm được “Cách tính lương giáo viên vùng 135” theo quy định mới nhất . Nếu cần hỗ trợ thêm các bạn có thể liên hệ đến hotline: 1900.6199.