hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 09/01/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách tính tiền đánh bạc để biết mức phạt như thế nào?

Phương pháp, cách tính số tiền đánh bạc trên chiếu bạc để truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào? Xử lý số tiền này ra sao? Cùng HieuLuat giải đáp thông tin trên trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi muốn hỏi, tiền đánh bạc được tính như thế nào?

Lần trước tôi được biết, công an đã bắt vụ việc đánh bạc bằng hình thức phạm tội quả tang tại địa chỉ gần nơi tôi ở.

Trong đó, tổng số tiền mà công an dùng để khởi tố là tiền trên chiếu bạc, tiền trong người con bạc, cả trong xe ô tô, xe máy của họ.

Sau khi tịch thu số tiền nêu trên thì số tiền này được xử lý như thế nào, thưa Luật sư?

Chào bạn, với vướng mắc xoay quanh cách tính tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự tội đánh bạc và cách xử lý số tiền thu được từ vụ án đánh bạc, chúng tôi giải đáp chi tiết như sau:

Cách tính số tiền đánh bạc mới nhất 2023 thế nào?

Cách tính, phương pháp tính tiền đánh bạc để dùng làm căn cứ xử lý người phạm tội đánh bạc trước đây được thực hiện theo Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP (hướng dẫn tội đánh bạc quy định tại Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009).

Hiện nay, các văn bản này đều đã hết hiệu lực và việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh đánh bạc được thực hiện theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Đồng thời, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện phương pháp, cách tính tiền đánh bạc để xử lý hình sự.

Do vậy, cách tính/phương pháp tính tiền đánh bạc trên thực tế hiện nay là áp dụng theo tinh thần của Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP.

Điều này cũng có nghĩa là các loại tiền, hiện vật, tài sản được tính để truy cứu trách nhiệm hình sự tội đánh bạc bao gồm tiền trên chiếu bạc, tiền trong người con bạc, tiền ở nơi khác của con bạc.

Cách tính số tiền đánh bạc mới nhất 2023Cách tính số tiền đánh bạc mới nhất 2023

Cụ thể, tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm:

  • Tiền, hiện vật dùng đánh bạc được thu giữ trực tiếp tại chiếu bạc;

  • Tiền, hiện vật ở trong người con bạc mà có căn cứ xác định sẽ được sử dụng/hoặc sẽ được dùng để đánh bạc;

  • Tiền, hiện vật thu giữ được ở nơi khác (nhà, xe, văn phòng,...) mà có căn cứ xác định đã được sử dụng/hoặc sẽ được sử dụng để đánh bạc;

Một số lưu ý khi xác định tiền, hiện vật dùng để đánh bạc như sau:

  • Tiền, giá trị hiện vật được dùng đối với mỗi con bạc là tổng số tiền của toàn bộ những người cùng đánh bạc;

  • Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật của tất cả các lần đánh bạc mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét, xử lý;

  • Một lần đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá/đua ngựa…được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề/một trận bóng đá, cá độ..trong một kỳ, người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó được dùng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự;

    • Tổng số tiền, giá trị hiện vật của người chơi để, cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ;

    • Đối với chủ đề, chủ cá độ thì số tiền đánh bạc được tính là toàn bộ số tiền mà họ đã bỏ ra để trả cho người trúng;

Như vậy, chưa có văn bản pháp luật cụ thể quy định về cách tính số tiền đánh bạc tại Điều 321 Bộ luật Hình sự.

Trong khi chờ đợi văn bản pháp luật điều chỉnh cụ thể, cách tính số tiền đánh bạc hiện nay đang được áp dụng theo tinh thần của Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP.

Tiền thu được trên chiếu bạc bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước

Tiền thu được trên chiếu bạc bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước


Tiền thu trên chiếu bạc xử lý thế nào theo quy định hiện hành?

Trước hết, toàn bộ tiền, giá trị hiện vật, tài sản được tính dựa trên cách tính số tiền đánh bạc như chúng tôi nêu trên được gọi là vật chứng của vụ án hình sự.

Căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng được xử lý như sau:

  • Nếu vật chứng là công cụ phương tiện phạm tội/hoặc là vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước/hoặc bị tiêu hủy;

  • Nếu vật chứng là tiền bạc/hoặc tài sản phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp Ngân sách Nhà nước;

  • Nếu vật chứng không có giá trị/hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy;

Theo đó, tiền, hiện vật, tài sản khác là vật chứng trong vụ án đánh bạc thì có thể bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy.

Ngoài ra, cũng phải lưu ý, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, người có thẩm quyền thuộc cơ quan tiến hành tố tụng (Viện Kiểm sát, Cơ quan Điều tra, Tòa án) có quyền:

  • Trả lại tài sản đã thu giữ/tạm giữ cho chủ sở hữu mà không phải là vật chứng;

  • Trả lại vật chứng cho chủ sở hữu/người quản lý hợp pháp nếu xem xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

  • Đối với vật chứng mà mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo luật định. Trường hợp không bán được thì được phép tiêu hủy;

  • Nếu vật chứng là động vật hoang dã, động vật ngoại lai thì phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý ngay sau khi có kết luận giám định;

Tóm lại, việc xử lý tiền, tài sản, hiện vật là vật chứng của vụ án đánh bạc được thực hiện bằng cách tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước, tiêu hủy.

Ngoại lệ, vật chứng được xác định theo cách tính số tiền đánh bạc mà chúng tôi đã nêu trên có thể được trả lại cho chủ sở hữu nếu như cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy không ảnh hưởng đến việc giải quyết, thi hành án.

Tiền, hiện vật, tài sản khác cũng được trả lại cho chủ sở hữu nếu không phải là vật chứng của vụ án, hoặc bị bán, tiêu hủy, giao cho cơ quan chuyên ngành.

Việc xử lý vật chứng theo trường hợp ngoại lệ trên được thực hiện nếu có quyết định của cá nhân có thẩm quyền thuộc cơ quan tiến hành tố tụng.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về cách tính số tiền đánh bạc, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X