hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 31/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách tính tiền thai sản cho giáo viên chuẩn nhất thế nào?

Bạn là giáo viên và đang muốn biết về khoản tiền thai sản mình được nhận? Bài viết này sẽ cung cấp cách tính tiền thai sản cho giáo viên đơn giản, chuẩn nhất.

Câu hỏi: Tôi là giáo viên tiểu học mới sinh con. Khi nghỉ thai sản, tôi đã nhận được một số khoản tiền trợ cấp từ cơ quan bảo hiểm xã hội. Tôi muốn kiểm tra do vậy tôi hi vọng Hieuluat giải đáp giúp tôi cách tính tiền bảo hiểm thai sản cho đối tượng là giáo viên và bao giờ tôi được nhận tiền, xin cảm ơn.

Cách tính tiền thai sản cho giáo viên theo quy định hiện nay?

Cách tính tiền thai sản cho giáo viên được áp dụng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Tiền trợ cấp một lần khi sinh (Tiền tã lót thai sản)

Căn cứ Điều 38 thuộc Luật này, mức trợ cấp một lần của giáo viên nghỉ thai sản bằng 02 lần lương cơ sở tính theo thời điểm sinh. Cụ thể: mức trợ cấp hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng và từ ngày 01/7 sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức trợ cấp một lần khi sinh con là từ 2,98 triệu đồng – 3,6 triệu đồng.

Tiền thai sản

Giáo viên nữ sinh con được nghỉ hưởng trợ cấp 06 tháng với tổng số tiền là:

100% x mức bình quân của 06 tháng tiền lương trích đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ x 06 tháng

Nếu chưa tích lũy đủ 06 tháng đóng bảo hiểm, mức hưởng thai sản của giáo viên được tính trên bình quân của tất cả các tháng đã đóng.

Tiền dưỡng sức sau sinh

Căn cứ Điều 41 của Luật Bảo hiểm nêu trên, trong 30 ngày sau khi quay trở lại với công việc mà nhận thấy sức khỏe chưa ổn định thì giáo viên nữ sau sinh có thể nghỉ từ 5-10 ngày tùy trường hợp.

Lúc này, mức hưởng dưỡng sức mỗi ngày được tính bằng 30% lương cơ sở.

Phụ cấp ưu đãi nghề dành cho giáo viên

Đây là một trong những chính sách đặc biệt dành cho giáo viên.

Cụ thể, tại khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC thì giáo viên nữ vẫn được nhận phụ cấp ưu đãi nghề trong thời gian đang nghỉ thai sản.

Mức phụ cấp ưu đãi nghề giáo viên nữ được nhận bằng:

Mức hưởng =

Mức lương tối thiểu chung

x

[Hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]

x

Tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi

*Lưu ý:

Phụ cấp ưu đãi nghề không áp dụng cho các giáo viên là viên chức công tác tại vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn.

(Căn cứ: khoản 3 Điều 13 Nghị định 76/2019/NĐ-CP)

Xem tiếp: Giáo viên nghỉ thai sản có được đánh giá chuẩn nghề nghiệp không?

Cách tính tiền thai sản cho giáo viên theo quy định hiện nay?
Cách tính tiền thai sản cho giáo viên theo quy định hiện nay?

Với giáo viên thì tiền thai sản nhận khi nào?

Ngoài cách tính tiền thai sản thì nhận tiền khi nào cũng là điều mà mọi giáo viên quan tâm. Căn cứ Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, giáo viên chờ nhận tiền thai sản trong vòng tối đa 20 ngày. Khoảng thời gian này được tính từ lúc bắt đầu nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm, cụ thể:

- Sau khi người lao động nộp hồ sơ cho tổ chức, trường học. Tổ chức hoặc nhà trường sẽ tổng hợp và lập gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian 10 ngày.

- Cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được hồ sơ từ doanh nghiệp có trách nhiệm giải quyết trong vòng 10 ngày làm việc.

Hồ sơ để nhận tiền thai sản gồm:

- Trường hợp sinh con thông thường: nộp Giấy khai sinh (Bản sao)/Trích lục khai sinh/Giấy chứng sinh (bản sao);

- Trường hợp lao động nữ sau sinh không đủ sức chăm con hoặc phải nghỉ việc để dưỡng thai: Giấy xác nhận từ bệnh viện phản ánh tình trạng của người mẹ.

Xem tiếp: Giáo viên nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè có được nghỉ bù?

Trên đây là thông tin cách tính tiền thai sản cho giáo viên. Nếu còn câu hỏi khác, xin mời quý khách liên hệ hotline 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X