hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 16/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách xử lý công an vi phạm nồng độ cồn hiện nay

Hiện nay, việc kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đang được thực hiện một cách triệt để. Vậy công an vi phạm nồng độ cồn có bị xử lý không? Cách xử lý công an vi phạm nồng độ cồn hiện nay được quy định thế nào?

 
Câu hỏi: Người dân vi phạm về nồng độ cồn thì bị xử phạt, vậy công an vi phạm nồng độ cồn thì có bị xử lý hay không? Cách xử lý thế nào? Mong được giải đáp!

Công an vi phạm nồng độ cồn có bị xử phạt không?

Công an vi phạm nồng độ còn có bị xử phạt không?

Công an vi phạm nồng độ còn có bị xử phạt không?

Thông thường việc kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn thuộc về thẩm quyền của cảnh sát giao thông.

Vậy trong trường hợp công an vi phạm nồng độ cồn thì có bị cảnh sát giao thông xử phạt không? Liệu có một “chế độ ưu tiên” nào đối với người trong ngành vi phạm nồng độ cồn hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Hiến pháp năm 2013 thì mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Theo quy định này thì mọi công dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội… đều được bình đẳng với nhau trước pháp luật, bao gồm cả quyền được pháp luật bảo vệ và trách nhiệm pháp lý của công dân.

Về bản chất, công an cũng là công dân, cũng xuất phát từ quần chúng nhân dân, sau một quá trình học tập, nỗ lực và phấn đấu thì trở thành công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội và đời sống cho nhân dân.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 44 Luật Công an nhân dân năm 2018 cũng quy định trong trường hợp công an vi phạm pháp luật thì tuỳ vào tính chất cũng như mức độ của hành vi vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, khi công an vi phạm nồng độ cồn thì vẫn bị xử phạt theo quy định mà không có bất kỳ ngoại lệ ưu tiên nào dành cho “người trong ngành”.

Không chỉ bị xử lý khi vi phạm nồng độ cồn, nếu công an đánh người hay công an đánh bạc cũng sẽ bị xử lý theo luật định.

Các hình thức xử lý cán bộ công an vi phạm nồng độ cồn

Các hình thức xử lý công an vi phạm nồng độ cồn

Các hình thức xử lý công an vi phạm nồng độ cồn

Vi phạm nồng độ cồn là một hành vi vi phạm pháp luật và được xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, công an là người công tác trong lực lượng Công an nhân dân nên phải nghiêm túc thực hiện theo nội quy của lực lượng Công an nhân dân.

Do đó, khi vi phạm nồng độ cồn thì công an không chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật mà còn bị xử lý kỷ luật theo quy định riêng của ngành công an.

Bên cạnh đó, trong trường hợp công an có hành vi vi phạm pháp luật là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam còn bị xử lý theo quy định của Đảng.

Theo đó, cán bộ công an vi phạm nồng độ cồn sẽ được xử lý nghiêm không chỉ theo quy định chung của pháp luật mà còn theo quy định của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý.

Dưới đây là một số hình thức xử lý cán bộ công an vi phạm nồng độ cồn được áp dụng hiện nay:

Xử phạt vi phạm hành chính

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP.

Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông không chỉ tập trung ở người điều khiển xe máy và xe ô tô mà còn được áp dụng với tất cả các phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ kể cả xe đạp và xe máy kéo.

Cụ thể, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với công an vi phạm nồng độ cồn được quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với công an điều khiển xe máy:

Nồng độ cồn

Mức xử phạt

Nồng độ cồn trong máu chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe máy từ 10 tháng đến 12 tháng;

Nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 miligam - 80 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,25 miligam - 0,4 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 04 - 05 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe máy từ 16 tháng đến 18 tháng;

Nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,4 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe máy từ 22 tháng đến 24 tháng.

Thứ hai, mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với công an điều khiển ô tô:

Nồng độ cồn

Mức xử phạt

Nồng độ cồn trong máu chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe ô tô từ 10 tháng đến 12 tháng;

Nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 miligam - 80 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,25 miligam - 0,4 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe ô tô từ 16 tháng đến 18 tháng

Nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,4 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe ô tô từ 22 tháng đến 24 tháng.

Thứ ba, mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với công an điều khiển xe đạp:

Nồng độ cồn

Mức xử phạt

Nồng độ cồn trong máu chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 80 nghìn - 100 nghìn đồng

Nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 miligam - 80 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,25 miligam - 0,4 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 300 nghìn - 40 nghìn đồng

Nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,4 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 400 nghìn - 600 nghìn đồng.

Thứ tư, mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với công an điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng:

Nồng độ cồn

Mức xử phạt

Nồng độ cồn trong máu chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức giao thông đường bộ từ 10 tháng đến 12 tháng

Nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 miligam - 80 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,25 miligam - 0,4 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức giao thông đường bộ từ 16 tháng đến 18 tháng

Nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 miligam/100 mililit hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,4 miligam/1 lít

Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức giao thông đường bộ từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với công an bao gồm xử phạt bằng tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Có thể thấy, xử phạt vi phạm nồng độ cồn có mức phạt cao nhất và khắt khe nhất trong tất cả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Xử lý kỷ luật theo quy định của ngành công an

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi công an vi phạm nồng độ cồn ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định thì còn bị áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 71/2023/NĐ-CP.

Theo đó, tuỳ theo tính chất, mức độ hậu quả của vi phạm nồng độ cồn thì công an không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc.

Đối với công an giữ chức vụ lãnh đạo khi vi phạm nồng độ cồn có thể bị đơn vị áp dụng các hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh sát, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Bên cạnh đó, tại khoản 7 Điều 9 Thông tư số 02/2021/TT-BCA thì chiến sĩ công an có hành vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, chất có cồn thì có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ Công an từ khiển trách đến tước danh hiệu Công an nhân dân.

Do đó, sau khi có thông báo công an vi phạm nồng độ cồn, đơn vị, cơ quan trực tiếp quản lý công an vi phạm sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để áp dụng hình thức xử phạt tương ứng.

Xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng đối với cán bộ công an là Đảng viên

Thông thường, công an nhân dân đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc được tạo điều kiện để phát triển Đảng.

Theo đó, khi công an vi phạm nồng độ cồn thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật cũng như xử phạt theo quy định của ngành công an thì công an là Đảng viên còn bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.

Hiện nay, việc xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm được thực hiện theo quy định tại Quy định số 22-QĐ/TW do Ban Chấp hành trung ương Đảng ban hành năm 2021. Theo quy định tại Điều 10 Quy định này nếu Đảng viên vi phạm là Đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ khỏi Đảng.

Đối với Đảng viên dự bị thì sẽ bị xem xét để áp dụng hình thức xử lý kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo.

Công an vi phạm nồng độ cồn có bị đuổi khỏi ngành không?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Thông tư số 02/2021/TT-BCA, nếu công an có hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia, chất có cồn thì có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành công an từ khiển trách đến tước danh hiệu công an nhân dân.

Theo đó, nếu hành vi vi phạm nồng độ cồn có tính chất nghiêm trọng, gây nguy hiểm và ảnh hưởng xấu đến ngành Công an nhân dân thì công an vi phạm có thể bị tước danh hiệu tương đương với việc bị đuổi khởi ngành Công an nhân dân.

Trên đây là một số quy định về xử lý công an vi phạm nồng độ cồn mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định trên, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X