hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 25/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách xử lý khi không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ

Một số người bỗng dưng bị gọi điện/nhắn tin đòi nợ dù họ không có bất kỳ khoản vay nào. Cùng xem cách xử lý khi không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ tại bài viết sau.

Mục lục bài viết
  • Tại sao không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ?
  • Không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ có phải trả nợ không?
  • Không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ phải làm sao?
Câu hỏi: Khoảng một tuần nay, tôi liên tục bị làm phiền bởi một số người tự xưng là nhân viên thu hồi nợ thông qua điện thoại, họ gọi điện, nhắn tin thông báo tôi phải trả nợ mặc dù tôi nhớ là mình không có vay bất cứ khoản nợ nào. Vậy tôi phải xử lý như thế nào? Mong luật sư giải đáp.

Tại sao không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ?

Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mà người dân không vay tiền từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác, nhưng vẫn bị liên hệ thông qua điện thoại hoặc tin nhắn để đòi nợ. Trong đó, có thể kể đến những lý do điển hình như sau:

- Do bị rò rỉ hoặc mất thông tin cá nhân: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin làm cho thông tin cá nhân dễ dàng bị rò rỉ trong các giao dịch hàng ngày hoặc khi tham gia các mạng xã hội, ứng dụng di động. 

Ngoài ra, khi làm mất ví, rơi giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, giấy phép lái xe,... cũng dẫn đến thông tin cá nhân bị rò rỉ ra bên ngoài. 

Một số cá nhân hoặc tổ chức có thể lợi dụng thông tin này vào các mục đích bất hợp pháp như bán thông tin cá nhân, tạo ra các khoản vay ảo, sau đó yêu cầu người dùng thanh toán các khoản nợ mà họ không hề vay.

- Bị người khác sử dụng thông tin cá nhân của các khoản vay trước đó: Với sự phổ biến của các khoản vay tín chấp và trả góp, nhiều tổ chức tín dụng có lưu trữ thông tin cá nhân của khách hàng vay tiền. Các đối tượng xấu bằng những cách thức phi pháp đã thu thập dữ liệu cá nhân này để tạo ra các khoản vay giả mạo và chiếm đoạt tiền.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp người dân đã thanh toán hết khoản vay của mình nhưng vẫn nhận thông báo khoản vay chưa được tất toán, trường hợp này cần liên hệ với tổ chức tín dụng mà mình vay tiền để kiểm tra kỹ càng, vì có thể vẫn còn tồn tại một vài khoản phí chưa được thanh toán.

Tại sao không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ?Tại sao không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ?

Không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ có phải trả nợ không?

Khi rơi vào trường hợp không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ, người dân thường lo lắng sẽ bị khủng bố, đe dọa công bố thông tin cá nhân lên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của họ, gây áp lực lên tâm lý, dẫn đến mặc dù không vay tiền nhưng họ thường đắn đo có nên trả nợ hay không. 

Theo Khoản 1 Điều 464 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 

Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng vay tài sản: 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” 

Theo đó, phải có sự thoả thuận giữa bên cho vay và bên vay tài sản về tài sản vay, thời hạn vay, thời hạn thanh toán và lãi suất cho vay,... thì mới phát sinh giao dịch vay tài sản.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, nghĩa vụ trả nợ chỉ phát sinh khi có giao dịch vay tiền, còn không vay tiền thì không phải trả nợ.

Không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ phải làm sao?

Từ những phân tích trên, nếu bạn không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ thì có thể tham khảo các cách xử lý như sau:

Cách xử lý khi không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ

- Trước hết, nên thu thập bằng chứng bị làm phiền, đòi nợ thông qua ghi âm lại cuộc gọi, lưu trữ tin nhắn, hình ảnh có liên quan. Đồng thời, yêu cầu bên đòi nợ cung cấp các tài liệu chứng minh việc vay tiền, ví dụ như hợp đồng vay tiền và thông tin xác minh liên quan đến khoản vay mà họ đang đòi nợ. 

Lưu ý, không nên cung cấp các thông tin cá nhân theo yêu cầu của người đòi nợ để tránh bị lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân.

- Liên hệ với tổ chức tín dụng, công ty tài chính đang đòi nợ để xác minh khoản vay, khiếu nại về việc bị đòi nợ dù không có vay tiền và mang theo bằng chứng, chứng cứ đã chuẩn bị để chứng minh.

- Tố cáo lên cơ quan công an nếu phát hiện thấy có dấu hiệu bị lừa đảo: Có thể đến trực tiếp cơ quan Công an để trình báo về hành vi của tổ chức, cá nhân đòi nợ bạn hoặc làm đơn trình báo gửi qua đường bưu điện kèm theo bằng chứng để trình báo.

Ngoài ra, người dân cần lưu ý bảo mật thông tin cá nhân của mình và luôn cẩn thận trước khi cung cấp thông tin của mình cho bên ngoài để tránh gặp các trường hợp tương tự.

Trên đây là thông tin về vấn đề không vay tiền mà vẫn bị đòi nợ. Nếu có bất kỳ thắc mắc về pháp lý nào, quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài trực tuyến  19006199 để được hỗ trợ và giải đáp.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X