hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 26/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cai nghiện tự nguyện ở đâu? Có mất tiền không?

Cai nghiện ma túy tự nguyện là việc người nghiện ma túy được cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc đăng ký cai nghiện tại cơ sở cai nghiện với sự hỗ trợ của cơ quan, người có thẩm quyền. Vậy người nghiện có thể cai nghiện ở đâu? Có mất tiền không?

Câu hỏi: Gần đây, tôi phát hiện con trai mình bị nghiện ma tuý do bị bạn bè xấu dụ dỗ. Tôi muốn cho con trai mình đi cai nghiện nhưng không biết có được cai nguyện tự nguyện tại nhà không? Cho tôi hỏi có thể cai nghiện tự nguyện ở đâu? Có mất tiền không? Cai nghiện tự nguyện có tính tiền sự không? Xin cảm ơn Luật sư.

Cai nghiện tự nguyện ở đâu?

Hiện nay, người nghiện ma tuý có thể đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 28 Luật Phòng, chống ma tuý 2021, biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy.

Cai nghiện tự nguyện ở đâu?

Cai nghiện tự nguyện ở đâu?

Cai nghiện tự nguyện tại gia đình

Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống ma tuý 2021, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình đề cập đến quá trình mà người nghiện ma túy quyết định cai nghiện bản thân tại nhà với sự hỗ trợ chuyên môn từ các tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy.

Đồng thời, quá trình cai nghiện tại gia đình cũng có sự phối hợp và trợ giúp từ gia đình và cộng đồng, cùng sự quản lý từ Ủy ban nhân dân cấp xã là quan trọng trong quá trình này.

Thời gian cai nghiện tại gia đình tối thiểu là 06 tháng và tối đa là 12 tháng.

Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện

Ngoài ra, người cai nghiện tự nguyện cũng có thể đăng ký cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. Theo đó, cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện cho người cai nghiện ma túy sau khi kết thúc quá trình cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện.

Thời hạn cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.

Cai nghiện tự nguyện có mấy giai đoạn?

Cai nghiện tự nguyện có mấy giai đoạn?

Cai nghiện tự nguyện có mấy giai đoạn?

Theo Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, quy trình cai nghiện ma túy bao gồm các giai đoạn sau đây:

- Tiếp nhận, phân loại tình trạng nghiện ma tuý của người nghiện

- Điều trị cắt cơn nghiện ma tuý, giải độc, điều trị các tình trạng rối loạn tâm thần, và điều trị các bệnh lý khác do cơn nghiện ma tuý gây ra;

- Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, tư vấn, phục hồi hành vi và nhân cách cho người nghiện ma tuý;

- Lao động trị liệu, học nghề;

- Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng

Trong đó, việc cai nghiện ma túy tự nguyện chỉ cần bảo đảm hoàn thành đủ 03 giai đoạn đầu tiên là đáp ứng đủ quy trình cai nghiện, còn đối với cai nghiện bắt buộc thì phải hoàn thành tất cả giai đoạn.

Cai nghiện tự nguyện có mất tiền không?

Theo điểm b Khoản 4 Điều 30 và điểm b Khoản 3 Điều 31 Luật Phòng, chống ma tuý 2021, người cai nghiện tự nguyện phải nộp phí cai nghiện liên quan theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 39 Nghị định 116/2021/NĐ-CP, nhà nước có chế độ hỗ trợ chi phí cai nghiện cho người cai nghiện tự nguyện như sau:

- Ngân sách nhà nước bảo đảm hỗ trợ chi phí về tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

- Ngoài ra, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 95% chi phí cai nghiện ma túy và thuốc chữa bệnh đối với các đối tượng sau đây:

+ Thương binh;

+ Người bị nhiễm chất độc hóa học và suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Người thuộc hộ nghèo;

+ Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa;

+ Trẻ em mồ côi;

+ Người khuyết tật nặng/ đặc biệt nặng.

Cai nghiện tự nguyện có tính tiền sự không?

Việc cai nghiện tự nguyện không được xem là có tiền sự. Cụ thể như sau:

Theo quy định, tiền sự được hiểu là trường hợp người đã bị kỷ luật hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, mà chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.

Do đó, tiền sự là thuật ngữ áp dụng với những đối tượng bị xử lý do vi phạm pháp luật, còn người cai nghiện tự nguyện không được xem là vi phạm pháp luật nên không tính tiền sự.

Hơn nữa, Theo Khoản 1 Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người nghiện ma tuý thuộc đối tượng phải cai nghiện bắt buộc để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo đó, những người cai nghiện tự nguyện, tức là không bị áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc thì việc đi cai nghiện tự nguyện đó không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, việc đi cai nghiện tự nguyện tất nhiên không được xem là có tiền sự.

Trên đây là thông tin gửi đến bạn đọc về các vấn đề pháp lý liên quan đến cai nghiện tự nguyện. Vui lòng liên hệ với chúng tôi theo hotline  19006199 nếu có thắc mắc cần được giải đáp.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X