hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 04/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc bị xử lý thế nào?

Cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc, bên nhận cầm cố bị xử lý thế nào? bị truy cứu hình sự không? Cầm cố mà không lập hợp đồng được không? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

Mục lục bài viết
  • Xử lý hình sự nếu nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc không?
  • Xử phạt cầm đồ không chính chủ thế nào?
  • Nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng, được không?

Xử lý hình sự nếu nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi, nếu nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc do khách hàng mang tới hoặc không có cách nào để xác minh chính xác nguồn gốc của tài sản cầm cố thì chủ tiệm cầm đồ có phải chịu trách nhiệm gì không?

Tôi có nghe nói, chủ tiệm cầm đồ có thể bị xử lý hình sự, điều này có chính xác không Luật sư?

Chào bạn, cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến hậu quả là người nhận cầm cố bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015.

Để xác định có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì quan trọng nhất là phụ thuộc vào ý chí, khả năng nhận thức của bên nhận tài sản cầm cố.

Theo đó, Điều 323 Bộ luật Hình sự, nếu bên nhận cầm cố có hành vi tiêu thụ tài sản dưới hình thức cầm cố mà biết rõ là do người khác phạm tội mà có là hành vi nhận diện tội phạm.

Và chỉ truy cứu nếu như có dấu hiệu “biết rõ” của bên nhận cầm cố tài sản về tài sản cầm cố, cụ thể:

  • Nếu bên nhận cầm cố biết rõ nguồn gốc, quá trình hình thành, có được tài sản cầm cố  là do phạm tội mà có mà vẫn nhận cầm cố, tiêu thụ sản phẩm này cho bên cầm cố thì đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự;

  • Nếu bên nhận cầm cố không biết rõ nguồn gốc tài sản hoặc không có cách nào biết rõ được tài sản thuộc sở hữu của bên cầm cố hay không hoặc không có đủ căn cứ chứng minh bên nhận cầm cố đã biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

    • Lúc này, bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu bên cầm cố trả lại tiền vay, bồi thường thiệt hại (nếu có) và trả lại tài sản cầm cố cho bên cầm cố;

Thực tế cho thấy, để chứng minh người nhận cầm cố biết rõ tài sản cầm cố là do phạm tội mà có có thể không cần tới sự thừa nhận của bên nhận cầm cố mà thông qua các hành vi khách quan, bằng những bằng chứng là các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng/nhận thức thông thường/buộc phải biết…

Khung hình phạt áp dụng đối với tội phạm chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định như sau:

Khung cơ bản

  • Phạt tiền từ 10 triệu - 100 triệu đồng;

  • Hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm;

  • Hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm;

Khung tăng nặng 1: Phạt tù từ 3 năm - 7 năm

Khung tăng nặng 2: Phạt tù từ 7 năm - 10 năm

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung

  • Phạt tiền từ 5 triệu - 50 triệu;

  • Hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản;

​Tội danh chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được Bộ luật Hình sự 2015 có nội dung như sau:

Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong trường hợp, hành vi tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc là trộm cắp, cướp,... mà có nhưng chưa đủ cấu thành tội phạm/không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người nhận cầm cố có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên tới 40 triệu đồng (chi tiết được chúng tôi trình bày ở phần dưới).

Như vậy, nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc, bên nhận cầm cố có thể phải chịu mức án phạt cao nhất lên tới 10 năm tù và còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền/tịch thu tài sản.

Do đó, trước khi nhận cầm cố tài sản, bên nhận cầm cố cần phải tìm hiểu rõ, cẩn thận về tài sản này và dự liệu trước những rủi ro pháp lý có thể phát sinh để có biện pháp xử lý phù hợp.

Có thể phải đi tù nếu nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốcCó thể phải đi tù nếu nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc

Xử phạt cầm đồ không chính chủ thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, nếu nhận cầm cố tài sản mà tài sản đó không phải của người vay thì bên nhận cầm cố có phải chịu trách nhiệm gì không?

Tài sản mang đi cầm cố này sẽ phải xử lý như thế nào?

Mong Luật sư giải đáp cụ thể.

Xử phạt hành vi nhận cầm đồ/cầm cố tài sản mà không phải của người vay tiền (không chính chủ) có thể bị xử phạt với mức phạt lên tới 40 triệu đồng theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, tùy nguồn gốc cụ thể của tài sản, cụ thể:

Một là, xử phạt vi phạm hành chính từ 20 triệu - 40 triệu theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP 

  • Đây là hành vi nhận cầm cố tài sản có nguồn gốc do trộm cắp/hoặc lừa đảo/hoặc chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

  • Bên nhận cầm cố còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm pháp luật này;

  • Ngoài ra, tang vật, phương tiện của vụ việc vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu;

Hai là, xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu - 10 triệu đồng theo điểm l khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP

  • Nhận cầm cố tài sản của người khác (không phải của người vay) mà không có ủy quyền hợp pháp của chủ tài sản là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng này;

  • Người nhận cầm cố cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm của mình;

Bên cạnh đó, nếu hợp đồng cầm cố tài sản là cách thức để tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có thì người nhận tài sản cầm cố còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (chi tiết như chúng tôi đã trình bày ở phần trên).

Như vậy, để xác định rõ trách nhiệm pháp lý mà bên nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc phải chịu cần căn cứ vào hậu quả pháp lý, nguyên nhân khách quan, bản thân chủ thể.. cùng các yếu tố khác.

Trường hợp nhận cầm cố tài sản của người khác mà không được chủ tài sản đó ủy quyền hoặc tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt lên tới 40 triệu đồng.

Cầm cố tài sản bắt buộc phải lập thành hợp đồngCầm cố tài sản bắt buộc phải lập thành hợp đồng 

Nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng, được không?

Câu hỏi: Xin hỏi, nếu nhận cầm cố tài sản nhưng không lập hợp đồng thì giao dịch cầm cố tài sản có hiệu lực pháp luật không?

Bên cầm cố có bị mất tài sản không?

Mong được giải đáp.

Chào bạn, quyền, nghĩa vụ của các bên trong giao dịch cầm cố tài sản bắt đầu phát sinh hiệu lực/có giá trị khi hợp đồng cầm cố có hiệu lực (tức từ thời điểm giao kết hoặc theo thỏa thuận của các bên hoặc theo luật định) (khoản 1 Điều 310 Bộ luật Dân sự 2015).

Điều này cũng có nghĩa rằng, thỏa thuận về cầm cố tài sản bắt buộc phải được thể hiện thông qua hợp đồng cầm cố.

Tuy nhiên, pháp luật không định rõ, hợp đồng cầm cố tài sản phải được thể hiện thông qua hình thức nào.

Cụ thể, hợp đồng cầm cố là một trong những hợp đồng mang tính chất song vụ, do vậy, nó là một giao dịch dân sự.

Mà giao dịch dân sự thì có thể được thể hiện thông qua lời nói, hành vi, văn bản (Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015).

Trong đó, nếu hợp đồng cầm cố được thực hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu thì được coi là hình thức bằng văn bản.

Thông thường, hợp đồng cầm cố tài sản thường được lập dưới hình thức văn bản để đảm bảo có căn cứ rõ ràng về việc thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm các bên trong thời hạn cầm cố.

Từ các căn cứ và phân tích nêu trên, suy ra, cầm cố tài sản buộc phải lập thành hợp đồng, nếu không có hợp đồng là trái với quy định của pháp luật.

Đồng thời, các bên có quyền lựa chọn hình thức của hợp đồng sao cho phù hợp với nhu cầu, thỏa thuận của mình và phải đảm bảo có căn cứ để xác định đã phát sinh giao dịch.

Bên nhận cầm cố tài sản nếu không lập hợp đồng cầm cố khi nhận cầm cố tài sản thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5 triệu - 10 triệu và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được theo điểm i khoản 3, điểm a khoản 7 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Khi không có hợp đồng, bên cầm cố tài sản có thể sẽ gặp phải nhiều rủi ro hơn so với bên nhận cầm cố.

Lý do là bởi vì bên cầm cố cần phải chứng minh 2 vấn đề cơ bản:

  • Đã có thỏa thuận cầm cố diễn ra: Ví dụ giấy tờ/bằng chứng gì chứng minh đã vay tiền, đã giao tài sản cầm cố cho bên cầm cố theo thỏa thuận của hợp đồng cầm cố tài sản, đã có thỏa thuận về thời hạn cầm cố,....;

  • Đã có việc bàn giao tiền, tài sản cầm cố và hợp đồng cầm cố đã có hiệu lực: Ví dụ có hình ảnh, thu âm, thu hình, biên bản bàn giao, hóa đơn, biên bản giao nhận tiền… để xác định hiệu lực của hợp đồng cầm cố;

Đồng thời, bên cầm cố cũng cần thường xuyên kiểm tra, yêu cầu cung cấp thông tin hoặc kiểm tra quá trình thực hiện giao dịch cầm cố tài sản của bên nhận cầm cố để phòng tránh những rủi ro có thể phát sinh (ví dụ thu thập chứng cứ, tài liệu, hình ảnh trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng).

Như vậy, chủ tiệm cầm đồ nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường dân sự cũng có thể là xử phạt hành chính, tùy mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.

Khi nhận cầm đồ/cầm cố tài sản, bắt buộc phải lập hợp đồng cầm cố, nếu không lập hợp đồng, bên nhận cầm cố tài sản có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền lên đến 10 triệu.

Thông thường hiện nay, khi cầm cố tài sản, các bên lập hợp đồng cầm cố bằng văn bản đánh máy hoặc viết tay hoặc thông qua dữ liệu điện tử để đảm bảo lưu lại bằng chứng để thực hiện.

Trên đây là giải đáp về cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X