Hiện nay nhiều công ty thường yêu cầu lao động nữ không mang thai, sinh con trong thời hạn nhất định để hạn chế ảnh hưởng công việc. Vậy việc cam kết không sinh con có đúng luật? Mẫu cam kết không mang thai trong thời gian làm việc là mẫu nào?
Cam kết không sinh con có đúng luật không?
Theo Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 thì việc sinh con, quyết định về thời gian và khoảng cách sinh con là quyền của các cặp vợ chồng; pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền này nhằm hướng đến sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.
Ngoài ra hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào cấm việc phụ nữ mang thai, sinh con khi đang trong thời gian thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh đó, pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội cũng quy định các quyền lợi, các chế độ của người phụ nữ mang thai, sinh con.
Theo các quy định nêu trên thì việc cam kết không sinh con trong thời gian làm việc đã vi phạm quy định của pháp luật, cho dù người lao động tự nguyện ký vào cam kết này.
Do đó các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ cần lưu ý trong vấn đề cam kết sinh con, việc này đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.
Có thai trong thời hạn cam kết không mang thai có bị sa thải?
Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 thì sa thải là một hình thức kỷ luật áp dụng với người lao động (NLĐ) trong các trường hợp sau:
- NLĐ thực hiện các hành vi sau tại nơi làm việc: tham ô, trộm cắp tài sản, đánh bạc, đánh nhau (cố ý gây thương tích) hoặc sử dụng chất cấm (ma túy).
- Tiết lộ bí mật kinh doanh/công nghệ, xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với các tài sản/lợi ích của công ty hoặc có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà đã được nội quy lao động của công ty quy định;
- NLĐ có các hành vi đã bị kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc kỷ luật cách chức, trong thời gian chưa xóa kỷ luật lại tái phạm.
- Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn tính trong thời hạn 30 ngày hoặc tự ý bỏ việc 20 ngày cộng dồn tính trong thời hạn 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà NLĐ không có lý do chính đáng.
Theo đó thì việc lao động nữ mang thai không thuộc trường hợp bị sa thải.
Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 137 Bộ luật này thì công ty không được sa thải người lao động với lý do mang thai.
Đồng thời, như đã giải thích ở đầu phần đầu bài viết, cam kết không sinh con trong thời gian làm việc đã vi phạm quy định pháp luật.
Như vậy, người lao động có thai trong thời hạn cam kết không mang thai thì không bị sa thải. Trường hợp dù lao động nữ đã thỏa thuận trước đó thì công ty cũng không được sa thải lao động nữ bởi việc sa thải sẽ vi phạm quy định khoản 3 của Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019.
Với những công ty sa thải lao động nữ vì lý do mang thai thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Nhận thấy, pháp luật luôn có những quy định để bảo vệ lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ mang thai. Trường hợp công ty muốn cho lao động nữ mang thai nghỉ việc đúng pháp luật thì áp dụng cách thỏa thuận với lao động nữ về việc chấm dứt hợp đồng.
Mẫu cam kết không mang thai trong thời gian làm việc và cách viết
Hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về mẫu cam kết không mang thai trong thời gian làm việc. Mẫu cam kết này ở mỗi công ty, mỗi đơn vị sẽ được xây dựng khác nhau, bạn đọc có thể tham khảo nội dung dưới đây:
CÔNG TY..... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------------- … , ngày … tháng … năm … |
CAM KẾT KHÔNG SINH CON
Kính gửi: ………………………………….
Tôi tên là:………………………………………………..
Sinh ngày:..................................................................
Căn cước công dân số:…………..
Ngày cấp:………………………………… Nơi cấp:....................................................
Chức vụ:……………………………………………………………………
Địa chỉ thường trú:……………………………………………………
Địa chỉ hiện tại:………………………………………………………..
Số điện thoại:……………………………………………………………
Sau khi nghiên cứu và hiểu rõ quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động trong Công ty, tôi tự nguyện làm cam kết với nội dung như sau:
1. Trong thời gian 02 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng lao động với công ty, tôi cam kết sẽ không mang thai và sinh con. Việc không mang thai và sinh con trong thời gian này nhằm đảm bảo việc thực hiện công việc, nhiệm vụ được phân công một cách hiệu quả.
2. Nếu vi phạm nội dung nêu trên, tôi xin chịu trách nhiệm và chấp nhận mọi hình thức xử lý theo quy định của Công ty và của pháp luật.
3. Tôi hoàn toàn tự nguyện, đã hiểu rõ các nội dung trong cam kết này.
Tôi xin chân thành cảm ơn./.
NGƯỜI CAM KẾT (Ký và ghi rõ họ tên) |
Việc viết bản cam kết không mang thai trong thời gian làm việc của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị là khác nhau, tùy thuộc theo yêu cầu cụ thể của các đơn vị đó. Về cơ bản, bản cam kết sẽ có những nội dung sau:
- Thời gian, địa điểm làm cam kết;
- Thông tin công ty đang làm việc;
- Thông tin của người làm cam kết: Họ tên, giới tính, thông tin về ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân/số hiệu chiếu và thời gian cấp, nơi cấp; thông tin địa chỉ thường trú và địa chỉ liên lạc của người lao động, số điện thoại liên hệ; công việc/chức vụ hiện tại của người lao động trong công ty.
- Nội dung cam kết: Ghi rõ việc cam kết sẽ không mang thai và sinh con trong thời gian nhất định (ví dụ 2 năm, 3 năm) kể từ thời điểm ký hợp đồng lao động hoặc các thời điểm bất kỳ nào khác theo sự thỏa thuận của các bên. Nội dung chịu trách nhiệm nếu vi phạm: Có thể ghi các hình thức kỷ luật bị áp dụng hoặc ghi cụ thể theo nội dung mà hai bên đã thống nhất với nhau.
- Người viết đơn cam kết đã tìm hiểu các nội dung trong bản cam kết, hoàn toàn tự nguyện khi viết cam kết.
- Cuối cùng, người viết đơn ký và ghi rõ họ tên của mình.
Tùy thuộc vào yêu cầu của các công ty mà bản cam kết này có thể có những nội dung khác ghi rõ nội dung cam kết để thực hiện.
Bài viết trên đã giải đáp cho độc giả về vấn đề Cam kết không sinh con có đúng luật? Mẫu cam kết không mang thai trong thời gian làm việc. Nếu các bạn còn có thắc mắc gì về vấn đề này, vui lòng liên hệ tới hotline 1900.6199 để được giải đáp.