hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 08/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng gồm những gì?

Việc xác định tài sản chung hay riêng của vợ chồng có ý nghĩa quan trọng trong việc chia tài sản khi ly hôn hay định đoạt tài sản. Căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng gồm những gì?

Mục lục bài viết
  • Căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng là gì?
  • Định đoạt tài sản chung vợ chồng phải tuân theo nguyên tắc nào?
  • Nghĩa vụ chung của vợ chồng về tài sản quy định thế nào?
  • Khi ly hôn, chia tài sản chung thế nào?
Câu hỏi: Chào luật sư. Tôi muốn hỏi xác định đâu là tài sản chung của vợ chồng thì dựa vào những căn cứ nào? Và việc định đoạt những tài sản này như thế nào? Nếu vợ chồng tôi ly hôn thì chi ra sao? Xin cảm ơn.

Căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng là gì?

Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình và Nghị định 126/2014/NĐ-CP, nếu bạn và vợ bạn lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản chung và riêng.

Nếu không thể thỏa thuận được, căn cứ xác lập tài sản rchung vợ chồng gồm:

- Tài sản do vợ, chồng tạo ra;

- Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng (Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình. Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình);

- Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác (Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.; Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước);

- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;

- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;

- Trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
can cu xac lap tai san chung cua vo chong
Việc xác định tài sản chung vợ chồng đều dựa trên căn cứ của pháp luật (Ảnh minh họa)
 

Định đoạt tài sản chung vợ chồng phải tuân theo nguyên tắc nào?

Theo Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng phải do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp pháp luật yêu cầu phải có sự thỏa thuận bằng văn bản.

Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

- Bất động sản (chẳng hạn bán nhà, bán đất);

- Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu (chẳng hạn tàu bay, tàu biển, phương tiện giao thông đường thủy, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt, vũ khí);

- Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Nếu vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung mà không có văn bản thỏa thuận với những tài sản này thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
 

Nghĩa vụ chung của vợ chồng về tài sản quy định thế nào?

Theo Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
 

Khi ly hôn, chia tài sản chung thế nào?

Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

- Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

- Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để giải quyết.

Theo đó, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Việc chia tài sản chung cũng phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Trên đây là giải đáp về căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Muốn bán tài sản chung của vợ chồng cần điều kiện gì?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X