Căn cước công dân gắn chip đang ngày càng bộc lộ rõ ưu điểm, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Vậy, có bắt buộc phải làm Căn cước công dân không?
Căn cước gắn chip ngày càng bộc lộ nhiều ưu điểm
Bỏ qua những công dụng quen thuộc "nói rồi nói mãi" của Căn cước gắn chip như tích hợp hàng loạt thông tin lên thẻ, gần đây, thẻ này ngày càng phát huy nhiều công dụng. Đó là chia sẻ, xác thực thông tin tiêm vaccine phòng COVID-19 trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Công văn 8938/BYT-DP, trạm y tế cấp xã có trách nhiệm ưu tiên lập kế hoạch, kết hợp việc cấp Căn cước công dân và tiêm chủng vắc xin nhằm tạo thuận lợi cho người dân.
Người dân đến tiêm phải mang theo Căn cước công dân hoặc thông báo về số định danh cá nhân có mã QR do Công an cấp và giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin trước đó (nếu có).
Điểm tiêm chủng kiểm tra, đối chiếu các thông tin và cập nhật, bổ sung các thông tin tiêm chủng. Sau đó, thực hiện tiêm chủng, nhập thông tin về mũi tiêm mới trên Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Như vậy, khi đi tiêm người dân mang theo Căn cước hoặc thông báo mã định danh (nếu có) để đối chiếu thông tin. Với những người chưa có Căn cước công dân gắn chip, việc tiêm chủng cũng sẽ ưu tiên phối hợp với việc cấp căn Cước công dân cho các đối tượng đến tuổi để tạo sự thuận lợi cho công dân.
Ngoài ra, gần đây, Bộ Công an cũng đề nghị VFF hỗ trợ tích hợp vé xem bóng đá vào Căn cước công dân...
Căn cước công dân phải cấp đổi cho người 25, 40 và 60 tuổi (Ảnh minh họa)
Hiện tại, Căn cước công dân có bắt buộc không?
Theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, các trường hợp công dân được cấp lại, đổi thẻ Căn cước công dân gồm:
- Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
+ Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;
+ Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
+ Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
+ Xác định lại giới tính, quê quán;
+ Có sai sót về thông tin trên thẻ hiện tại;
+ Khi công dân có yêu cầu.
- Thẻ Căn cước công dânđược cấp lại trong các trường hợp sau:
+ Bị mất thẻ Căn cước công dân;
+ Được trở lại quốc tịch Việt Nam.Còn theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA quy định:
- Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 23/01/2021 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
- Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip.Như vậy, theo quy định hiện nay, việc làm Căn cước công dân gắn chip không bắt buộc trừ những trường hợp phải làm thẻ theo quy định.
Có phải sắp tới, chỉ được phép dùng Căn cước công dân?
Gần đây, nhiều thông tin cho rẳng, sắp tới, sẽ chỉ được phép dùng thẻ Căn cước công dân gắn chip để chứng minh nhân thân.
Về việc này, phó giám đốc Công an TP.HCM - Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết, sắp tới, Công an Thành phố sẽ nghiên cứu và đề xuất với Bộ Công an để thay thế hoàn toàn Chứng minh nhân dna 9 số và 12 số, kể cả Căn cước công dân mã vạch, chỉ dùng Căn cước công dân gắn chip nhằm tạo sự thuận lợi cho người dân khi sử dụng.Như vậy, việc sẽ dùng hoàn toàn Căn cước công dân gắn chip mới chỉ là ý định đề xuất của Công an TP.HCM. Vẫn chưa có thông tin chính thức nào về vấn đề này. Vì thế, hiện tại, các loại Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số, Căn cước công dân mã vạch vẫn được sử dụng bình thường.
Trên đây là giải đáp câu hỏi Căn cước công dân có bắt buộc không? Nếu còn có vướng mắc, bạn có thể gửi câu hỏi để được chúng tôi hỗ trợ.
>> Sắp tới, sẽ kết hợp tiêm vắc xin Covid và cấp Căn cước công dân?