hieuluat
Chia sẻ email

Căn cước công dân có từ năm nào?

Căn cước công dân có lẽ là từ khóa được tìm kiếm rất nhiều thời gian qua vì những thuận tiện của thẻ cũng như khó khăn của người dân khi phải chờ đợi thẻ về đến tay. 


Câu hỏi: Em muốn hỏi thẻ Căn cước công dân có từ năm nào? Đã trải qua mấy lần thay đổi? Em cảm ơn.

Thẻ Căn cước công dân có từ năm nào?

Ngày 20/11/2021, Quốc hội bấm nút thông qua Luật Căn cước công dân. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Như vậy, những tấm thẻ Căn cước công dân đầu tiên được cấp tại Hà Nội vào ngày 01/01/2016. Theo thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Nội, đơn vị đã tập huấn cho hơn 200 cán bộ chiến sĩ thuộc các quận, huyện tại 31 điểm của thành phố về việc cấp loại thẻ mới này.

Thẻ Căn cước công dân ban đầu chỉ là loại thẻ có mã vạch, được cấp cho tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên và có 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Việc cấp Căn cước công dân được thực hiện giống cấp Chứng minh nhân dân 12 số, tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các tỉnh, thành phố; Công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương.

Về bản chất, Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân là một. Đó chính là loại giấy tờ tùy thân để chứng minh lai lịch, nhân dạng, chỉ khác nhau về tên gọi.

Nhưng nếu như Căn cước (thế hệ mới) được cấp lần đầu vào năm 2016 thì Chứng minh nhân dân đã có lịch sử rất lâu đời, thậm chí tên gọi thẻ Căn cước đã xuất hiện từ lâu. Cụ thể:

- Năm 1957, Chính phủ ban hành Nghị định 577 quy định về Đặt giấy, thể lệ cấp phát giấy chứng minh.

Mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên ở thành phố, thị xã, cán bộ, công nhân viên và nhân dân ở những vùng kinh tế, quốc phòng quan trọng được cấp Giấy chứng minh 9 số, thời hạn 5 năm.

- Năm 1964, Chính phủ ban hành Nghị định mới về cấp giấy chứng minh. Độ tuổi, kiểu dáng, dữ liệu... của giấy chứng minh mới giống như cũ, bổ sung các trường hợp không nằm trong diện cấp.

Ngoài ra, người từ 14 đến 17 tuổi thì được cấp Giấy chứng nhận căn cước.

- Năm 1976, Chính phủ ban hành Quyết định số 143 cấp Giấy căn cước cho tất cả công dân từ 15 tuổi trở lên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

- Năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định 05/1999 ban hành mẫu Chứng minh nhân dân mới, cấp cho công dân đủ 14 tuổi trở lên.

- Năm 2012, Bộ Công an áp dụng cấp Chứng minh nhân dân theo công nghệ mới, sử dụng vật liệu thiết kế bằng nhựa, có 12 số, ảnh của công dân in trực tiếp trên thẻ, có mã vạch 2 chiều.

- Năm 2016, thẻ Căn cước công dân mã vạch ra đời, có nhiều điểm tương tự thẻ Chứng minh nhân dân 12 số.

- Năm 2021, thẻ Căn cước công dân gắn chip ra đời, thẻ có chip, có mã QR tích hợp được nhiều thông tin.

Thẻ Căn cước công dân khác gì Chứng minh nhân dân?

So với thẻ Chứng minh nhân dân 12 số, Căn cước công dân có nhiều điểm tương đồng vì cả hai cùng được cấp tại thời điểm công dân đủ từ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, phần dân tộc được thay bằng quốc tịch; dấu của Bộ Công an được thay bằng Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân là 15 năm. Còn Căn cước chỉ phải đổi vào các năm công dân 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Còn so với thẻ Chứng minh nhân dân 9 số thì thẻ Căn cước có nhiều điểm khác biệt từ hình thức đến số. Số trên thẻ Căn cước là 12 số và không thay đổi, trong khi Chứng minh nhân dân chỉ có 9 số và thay đổi mỗi lần đổi thẻ.

Theo quy định, khi đăng ký làm Căn cước, công dân sẽ không phải xuất trình sổ hộ khẩu trừ trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, phải đến 01/7/2021, Cơ sở dữ liệu này mới cơ bản hoàn thiện và đi vào hoạt động nên trước 01/7/2021, công dân làm thẻ vẫn cần xuất trình giấy tờ. 

Mẫu thẻ Căn cước công dân

(Căn cước công dân mã vạch)
can cuoc cong dan co tu nam nao
(Căn cước công dân gắn chip)
Trên đây là những thông tin quanh việc Căn cước công dân có từ năm nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Căn cước công dân gắn chip: 08 thông tin quan trọng cần biết

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X