hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 28/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Căn cước công dân công chứng dùng để giao dịch hành chính được không?

Trong nhiều trường hợp, người dân phải dùng bản sao công chứng giấy tờ để thay thế cho bản gốc, bản chính. Như vậy, Căn cước công dân photo công chứng có dùng để giao dịch hành chính được không?

Căn cước công dân photo công chứng có tác dụng gì?

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, tôi muốn biết Căn cước công dân phô tô công chứng có dùng trong khi thực hiện các giao dịch hành chính được không?

HieuLuat xin thông tin đến bạn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân (CCCD) thì thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Loại thẻ này còn được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước/thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu:

- Công dân xuất trình thẻ CCD để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định

- Được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ CCCD để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân đã xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định nữa.

Khoản 6 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định về bản sao giấy tờ như sau:

6. “Bản sao” là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.

Điều 6 Nghị định này cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao như sau:

1. Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.

Như vậy, căn cước công dân photo công chứng có thể được sử dụng trong các giao dịch theo quy định.

can cuoc cong dan photo cong chung

Nhờ người khác sao y Căn cước công dân được không?

Câu hỏi: Em muốn hỏi là nếu nhờ bố mẹ sao y căn cước công dân thì có được không ạ?

Chào bạn, theo quy định tại Điều 19 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực bản sao và người thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính như sau:

Thứ nhất, người yêu cầu chứng thực bản sao phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao.

Bên cạnh đó, không được yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản quy định tại Điều 22 của Nghị định này. Cụ thể:

Điều 22. Bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao

1. Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

2. Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.

3. Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.

4. Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

5. Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.

6. Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thứ hai, người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao đúng với bản chính.

Như vậy, căn cứ theo quy định pháp luật không bắt buộc người có tên trong bản chính giấy tờ sao y phải trực tiếp thực hiện việc sao y. Do đó, bạn có thể nhờ bố mẹ mình đi sao y bản chính căn cước công dân cho bạn.
Trên đây là thông tin về căn cước công dân photo công chứng. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X