hieuluat
Chia sẻ email

Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân có được sử dụng song song không?

Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân đều là các loại giấy tờ tùy thân được cơ quan có thẩm quyền cấp thể hiện những thông tin cơ bản nhất của mỗi cá nhân. Hiện nay, có nhiều độc giả có thắc mắc rằng hai loại giấy tờ này có gì khác nhau và có thể dùng song song được hay không?

Mục lục bài viết
  • Chứng minh nhân dân là gì?
  • Căn cước công dân là gì?
  • Thời hạn của Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân thế nào?
  • Giá trị sử dụng Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân thế nào?
  • Có thể sử dụng song song thẻ Chứng minh nhân dân với thẻ Căn cước công dân được không?
Câu hỏi: Tôi muốn hỏi Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân có được sử dụng song song không?


Chứng minh nhân dân là gì?

Chứng minh nhân dân được định nghĩa tại Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ về Chứng minh nhân dân là “một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam”.

Căn cước công dân là gì?

Căn cước công dân được định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 là “thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này”.

Dãy số trên thẻ căn cước công dân chính là mã số định danh cá nhân được cấp cho mỗi một công dân Việt Nam, hoàn toàn không trùng lặp với người khác.

Khác với Chứng minh nhân dân, trên thẻ Căn cước công dân không có các mục Họ và tên gọi khác, mục Dân tộc được thay bằng mục Quốc tịch, dấu hình Công an hiệu đã được thay thế bằng dấu có hình Quốc huy của cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân.

can cuoc cong dan va chung minh nhan dan

Thời hạn của Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân thế nào?

Đối với Chứng minh nhân dân, thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp.

Khác với thẻ Chứng minh nhân dân, thời hạn của thẻ Căn cước công dân được quy định theo các mốc độ tuổi của công dân. Cụ thể, sau lần cấp thẻ Căn cước công dân đầu tiên, công dân phải thực hiện thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Tuy nhiên, nếu công dân đã thực hiện thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân trong vòng 2 năm trước khi đến các mốc trên thì thẻ có giá trị như khi làm thẻ tại các mốc độ tuổi quy định. Ví dụ, năm 24 tuổi, người dân làm thủ tục thẻ Căn cước công dân thì thời hạn của thẻ này sẽ là đến khi công dân đủ 40 tuổi và không phải đổi thẻ khi đủ 25 tuổi nữa.

Giá trị sử dụng Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân thế nào?

Theo quy định, Chứng minh nhân dân chỉ có giá trị để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Còn Căn cước công dân có thể được sử dụng thay cho Hộ chiếu ở một nước ngoài lãnh thổ Việt Nam trong những trường hợp Việt Nam và quốc gia đó ký kết Điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân của nước ký kết được phép sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho Hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

can cuoc cong dan va chung minh nhan dan

Có thể sử dụng song song thẻ Chứng minh nhân dân với thẻ Căn cước công dân được không?

Theo quy định hiện hành thì thẻ Chứng minh nhân dân của công dân có thể được sử dụng đến hết thời hạn hoặc công dân có thể đổi sang thẻ Căn cước công dân để thuận tiện cho giao dịch hàng ngày và giá trị pháp lý của hai loại giấy tờ này như nhau.

Trước đây, khi thực hiện thủ tục đổi từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân, thẻ Chứng minh nhân dân cũ của công dân sẽ được cắt góc và giao lại cho công dân quản lý để thuận tiện cho việc giao dịch của công dân, là căn cứ để thay đổi thông tin của công dân trong các hoạt động liên quan để hợp đồng, giao dịch ngân hàng, chuyển nhượng tài sản…

Tuy nhiên, hiện nay khi thực hiện thủ tục đổi từ thẻ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân thì Chứng minh nhân dân cũ sẽ bị thu lại và sẽ được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nếu công dân có yêu cầu.

Trong trường hợp Chứng minh nhân dân đã bị hỏng, bong tróc, không rõ nét hoặc bị mất hoặc khi công dân có yêu cầu, cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân sẽ cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân để thuận tiện cho việc giao dịch có sự chuyển đổi từ số Chứng minh nhân dân cũ sang số Căn cước công dân mới.

Theo quy trình trên, việc thu lại CMND cũ ngay sau khi cấp CCCD gắn chip là bắt buộc. CMND bị thu lại nghĩa là đã bị hủy giá trị, thẻ không còn giá trị pháp lý và cơ quan có thẩm quyền không cho phép người dân sử dụng.

Đối với trường hợp bị “quên” thu lại, đây là lỗi của cá nhân cán bộ quản lý CCCD hoặc của nhân viên bưu điện hoặc do cán bộ Công an tạo điều kiện cho người dân có thẻ để sử dụng trong khi chờ CCCD gắn chip. Vì thế, khi đã có CCD gắn chip thì người dân không được sử dụng CMND cũ nữa dù CMND cũ chưa bị thu lại bởi pháp luật lại không công nhận giá trị sử dụng của thẻ này.

Kết luận

Bài viết đã so sánh những điểm giống và khác nhau giữa Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân, trả lời cho câu hỏi có thể sử dụng song song cả Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân được không? Bạn đọc có những thắc mắc về các thủ tục này có thể liên hệ tổng đài  19006199 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh chóng.

Có thể bạn quan tâm

X