hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 22/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

CCCD bao lâu hết hạn? Làm gì khi CCCD hết hạn?

Căn cước công dân, chứng minh nhân dân đều có quy định về thời hạn sử dụng, khi hết hạn sẽ không còn giá trị để chứng minh nhân thân trong mọi giao dịch. Do đó, người dân cần chú ý tới thời hạn của thẻ Căn cước công dân và thực hiện các thủ tục đổi thẻ mới trước khi hết hạn. Vậy thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân khi hết hạn như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về thời hạn thẻ Căn cước công dân và giúp bạn đọc trả lời cho câu hỏi trên.

Mục lục bài viết
  • Thời hạn của Căn cước công dân
  • Không đổi căn cước công dân khi hết hạn có bị phạt không?
  • Những việc cần làm để đổi thẻ Căn cước công dân khi hết hạn
Câu hỏi: Căn cước công dân hết hạn tôi cần làm gì?


1. Căn cước công dân bao lâu hết hạn?

Trước đây, Chứng minh nhân dân được quy định có thời hạn 15 năm kể từ ngày cấp, cấp đổi, cấp lại. Khi thẻ Căn cước công dân thay thế thẻ Chứng minh nhân dân thì thời hạn này được thay đổi theo độ tuổi của công dân.

Luật Căn cước công dân 2014 quy định về thời hạn của thẻ Căn cước công dân tại  khoản 1 Điều 21 như sau: “Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi”.

Như vậy, có 3 cột mốc đổi thẻ Căn cước công dân là khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Thời hạn đổi thẻ của mỗi người được ghi ở mặt trước của thẻ Căn cước công dân ở vị trí góc bên trái, phía dưới ảnh thẻ.

Trường hợp người dân có yêu cầu làm thủ tục cấp/ đổi/ cấp lại thẻ Căn cước công dân trong thời hạn 02 năm trước các mốc đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi, đủ 60 tuổi thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Căn cước công dân.

Có nghĩa là, nếu công dân đổi thẻ vào năm đủ 23 tuổi thì thẻ sẽ có giá trị sử dụng đến 40 tuổi, nếu công dân đổi thẻ vào năm đủ 38 tuổi thì thẻ sẽ có giá trị sử dụng đến 60 tuổi, nếu công dân đổi thẻ vào năm đủ 58 tuổi thì thẻ có thời hạn như thẻ cấp năm 60 tuổi.

can cuoc cong dan het han

2. Căn cước công dân cũ phải đổi sang CCCD gắn chip khi nào?

Theo quy định tại Điều 21, 23 Luật Căn cước công dân 2014, thẻ Căn cước công dân mẫu cũ còn hạn sử dụng có bắt buộc đổi sang CCCD gắn chip trong các trường hợp:

Thứ nhất, khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Thứ hai, khi thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

Thứ ba, khi có thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

Thứ tư, khi xác định lại giới tính, quê quán;

Thứ năm, khi có sai sót về thông tin trên thẻ hiện tại;

Thứ sáu, khi công dân có yêu cầu.

3. Không đổi Căn cước công dân khi hết hạn có bị phạt không?

Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh trật tự đã có quy định mức xử phạt với hành vi không đổi Căn cước công dân khi hết hạn.

Theo đó, người dân có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

can cuoc cong dan het han

Những việc cần làm để đổi thẻ Căn cước công dân khi hết hạn

Thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân đã được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Trình tự thực hiện thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân khi hết hạn như sau:

Bước 1: Đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục

Công dân có thể chọn một trong hai hình thức sau để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

- Thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

- Đến địa điểm làm thủ tục cấp Căn cước công dân. Công dân có thể chọn một trong các cơ quan sau để thực hiện thủ tục:

+ Cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an - Cục Quản lý hành chính về Trật tự xã hội;

+ Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an Tỉnh/ Thành phố trực thuộc trung ương - Phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội;

+ Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện/quận/thị xã/ thành phố thuộc tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp tương đương.

+ Cơ quan được cấp thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã/ phường/ thị trấn/ cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết theo quy định pháp luật.

Bước 2: 

Nếu công dân đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân sẽ được tiếp nhận và thực hiện theo quy định

Nếu không đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân sẽ bị từ chối tiếp nhận và  được trả lời rõ lý do;

Sau khi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ thu nhận thông tin công dân sẽ thực hiện tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

- Nếu thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự điều chỉnh hay thay đổi gì thì sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ.

- Nếu thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự điều chỉnh/ thay đổi thì công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ.

- Nếu thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân (Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân) để được cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Nếu thông tin hồ sơ đã hợp lệ thì tập hợp thành hồ sơ và thực hiện tiếp các bước:

+ Thu nhận vân tay của công dân theo hướng dẫn;

+ Chụp ảnh chân dung của công dân;

+ Thu lại thẻ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân hết hạn.

+ In Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân, sau đó chuyển cho công dân kiểm tra và ký, ghi rõ họ tên; cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra và ký, ghi rõ họ tên.

Bước 3: 

Cán bộ phụ trách cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục.

Bước 4: 

Công dân nhận kết quả tại nơi đã nộp hồ sơ hoặc đăng ký nhận Căn cước công dân mới đường bưu điện.

Lưu ý: Hiện nay, khi người dân đổi thẻ Căn cước thuộc trường hợp đến tuổi phải đổi thì không phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư 59/2019/TT-BTC.

Kết luận

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi phải làm gì khi Căn cước công dân hết hạn, bài viết đã cung cấp các thông tin về thời hạn, mức phạt khi không đổi thẻ Căn cước công dân khi hết hạn và thủ tục đổi thẻ. Để được tư vấn và cung cấp thêm thông tin về thẻ căn cước công dân, bạn đọc có thể liên hệ với tổng đài  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X