hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 28/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

CSGT có được quyền rút chìa khóa xe vi phạm? Có được kiểm tra cốp xe?

Cảnh sát giao thông (CSGT) có quyền bắt, xử lý người và phương tiện có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Vậy nếu CSGT rút và giữ chìa khóa xe của người vi phạm, liệu có đúng luật?

Mục lục bài viết
  • CSGT có được rút chìa khóa xe của người vi phạm không?
  • Giữ chìa khóa xe có là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính?
  • Bị CSGT giữ chìa khóa xe, có khiếu nại được không?
  • CSGT có được kiểm tra cốp xe?
  • CSGT có được đi xe của người vi phạm giao thông?
Câu hỏi: Con tôi bị cảnh sát giao thông (CSGT) bắt về lỗi không đủ tuổi lái xe trên 50 phân khối. Nhưng giữ luôn cả chìa khoá xe. CSGT làm vậy có đúng không?

CSGT có được rút chìa khóa xe của người vi phạm không?

Đầu tiên, chúng tôi xin khẳng định CSGT không được rút chìa khóa xe của người vi phạm.

Theo khoản 2, Điều 3 Thông tư 32/2023/TT-BCA, một trong những yêu cầu đối với Cảnh sát giao thông là:

Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định của pháp luật, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân.

Tại Điều 8 Thông tư này cũng đã nêu rõ quyền của CSGT trong khi thực hiện tuần tra, kiểm soát như sau:

- Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông…

- Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

- Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

- Được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định…

- Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông…

- Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong các quyền nêu trên không bao gồm việc rút và giữ chìa khóa xe của người vi phạm. 

canh sat giao thong co duoc rut chia khoa xe vi pham
Cảnh sát giao thông có được rút và giữ chìa khoa xe của người vi phạm không? (Ảnh minh họa)
 

Giữ chìa khóa xe có là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính?

Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định các biện pháp ngăn chặn hành vi hành chính, bao gồm:

1. Tạm giữ người;

2. Áp giải người vi phạm;

3. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

4. Khám người;

5. Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

6. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

7. Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

8. Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

9. Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.

Có thể thấy, trong các hành vi trên không có quy định rút và giữ chìa khóa xe của người vi phạm là một trong những biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính

Bị CSGT giữ chìa khóa xe, có khiếu nại được không?

Khoản 1 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định:

1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Đồng thời theo khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011:

“Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Như vậy, nếu cá nhân có căn cứ về việc xử lý vi phạm của CSGT không đúng quy định có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 quy định thời hiệu khiếu nại quyết định xử phạt của CSGT là 90 ngày.

CSGT có được kiểm tra cốp xe?

Căn cứ vào nội dung đã nêu ở phần đầu, khi yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe, CSGT được quyền kiểm tra các giấy tờ của chủ xe và phương tiện, điều kiện tham gia giao thông của xe,... nhưng không được tự ý kiểm tra điện thoại, cốp xe, điện thoại hay vật dụng cá nhân... của người điều khiển phương tiện.

Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 1 Điều 127, khoản 1 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, việc khám cốp xe có thể được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính...

Việc khám cốp xe phải có quyết định bằng văn bản do người có thẩm quyền như: Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ,... ban hành.

Bên cạnh đó, nếu có căn cứ cho rằng tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy, nếu không khám ngay thì chiến sĩ CSGT cũng được quyền khám phương tiện, đồ vật. Đồng thời phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng trực tiếp, chịu trách nhiệm về việc khám xét phương tiện, đồ vật.

Có thể thấy, CSGT chỉ có quyền khám cốp xe... khi có căn cứ để cho rằng nếu không khám ngay thì tang vật như vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.

CSGT có được đi xe của người vi phạm giao thông?

Căn cứ các quy định tại Nghị định 100/2019, Nghị định 123/2021 CSGT có quyền lập biên bản, tạm giữ phương tiện vi phạm khi người điều khiển phương tiện không có bằng lái, có nồng độ cồn trong cơ thể, hoặc dương tính với ma túy.

Việc tạm giữ phải tuân thủ quy định tại Điều 125 luật Xử lý vi phạm hành chính. CSGT phải có quyết định tạm giữ bằng biên bản đối với phương tiện của người vi phạm. Phương tiện bị tạm giữ sẽ được lực lượng chức năng thực hiện niêm phong, ghi nhận hiện trạng.

Nếu tại thời điểm lập biên bản, ra quyết định tạm giữ, chủ phương tiện không có mặt tại hiện trường hoặc có mặt nhưng lại không đủ điều kiện điều khiển xe về trụ sở thì lực lượng chức năng sẽ điều xe cẩu đưa phương tiện về nơi tạm giữ.

CSGT cũng có thể trực tiếp điều khiển phương tiện bị tạm giữ về trụ sở với điều kiện chủ xe hoặc người vi phạm phải đi cùng trên xe để giám sát.

Vừa rồi là giải đáp thắc mắc liên quan đến việc CSGT có được rút chìa khóa xe vi phạm không? Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X