Chạy xe quá tốc độ là lỗi mà người điều khiển phương tiện giao thông hay vi phạm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cảnh sát giao thông được bắn tốc độ ở đâu, cùng tìm hiểu rõ vấn đề này qua bài viết sau.
CSGT được bắn tốc độ ở đâu?
Cảnh sát giao thông (CSGT) được bắn tốc độ tại bất kỳ tuyến đường giao thông nào theo kế hoạch.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA và Khoản 1 Điều 3 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh (hay còn gọi là máy bắn tốc độ) là một trong các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để hỗ trợ cho công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Máy bắn tốc độ sẽ được lắp đặt và sử dụng một cách công khai trên các tuyến đường giao thông, tại các Trạm CSGT, trên phương tiện CSGT sử dụng để đi tuần tra và kiểm soát.
Máy bắn tốc sẽ được trang bị để Tổ CSGT, cán bộ CSGT sử dụng nhằm mục đích phát hiện, ghi lại hành vi vi phạm về trật tự an toàn khi tham gia giao thông của người và phương tiện lưu thông trên đường bộ.
Thêm vào đó, tại điểm a Khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT được quyền dừng xe đang lưu thông nếu phát hiện lỗi vi phạm thông qua phương tiện và thiết bị kỹ thuật khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch.
Do đó, cảnh sát giao thông được bắn tốc độ tại bất kỳ tuyến đường giao thông nào (kể cả đường cao tốc) theo kế hoạch thông qua máy bắn tốc độ được lắp đặt một cách cố định một chỗ hoặc lưu động.
CSGT được bắn tốc độ ở đâu?
Quy trình xử lý vi phạm tốc độ của CSGT
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2022/TT-BCA, khi phát hiện hành vi vi phạm tốc độ của người tham gia giao thông bằng máy bắn tốc độ, cảnh sát giao thông thực hiện theo quy trình như sau:
Bước 1: Đề nghị người điều khiển phương tiện dừng xe để xử lý vi phạm
- Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem kết quả thu thập được từ máy bắn tốc độ về hành vi vi phạm của mình, cảnh sát giao thông cho người vi phạm xem ngay đó nếu đã có thông tin, hình ảnh, kết quả tại thời điểm đó;
- Trường hợp nếu chưa có kết quả tại thời điểm người vi phạm yêu cầu xem, cảnh sát giao thông hướng dẫn người vi phạm đến trụ sở đơn vị để xem và xử lý vi phạm;
Bước 2: CSGT lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quá tốc độ
Nếu người vi phạm không phối hợp, không chịu dừng xe, cảnh sát giao thông thực hiện như sau:
Bước 1: Xác định thông tin liên quan đến người và phương tiện vi phạm tại cơ quan đăng ký xe hoặc thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bước 2: Gửi thông báo phạt vi phạm hành chính về cho chủ phương tiện, yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở công an phát hiện hành vi vi phạm an toàn giao thông để giải quyết vụ việc.
Trường hợp chủ phương tiện không cư trú tại khu vực cơ quan Công an phát hiện ra hành vi vi phạm thì yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở Công an cấp xã hoặc cấp huyện nơi người đó cư trú.
Thông báo được soạn theo mẫu số 02/65/68 - Thông báo vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông ban hành kèm Thông tư số 15/2022/TT-BCA.
Bước 3: Cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt.
Quy trình xử lý vi phạm tốc độ của CSGT
Mức xử phạt hành vi vi phạm tốc độ
STT | Tốc độ vi phạm | Mức xử phạt | Cơ sở pháp lý |
Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự chạy quá tốc độ | |||
1 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó trong khoảng từ 05 - 10 km/h | Phạt tiền từ 800.000 - 01 triệu đồng | Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP |
2 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó từ 10 -20km/h | Phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện từ 01 - 03 tháng | Điểm i Khoản 5 Điều 5, Điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP |
3 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó từ 20 - 35km/h | Phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện từ 02 - 04 tháng | Điểm a Khoản 6 Điều 5, Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP |
4 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó từ 35km/h trở lên | Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện từ 02 - 04 tháng | Điểm c Khoản 7, Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự chạy quá tốc độ | |||
1 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó trong khoảng từ 05 -10 km/h | Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng | Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
2 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó từ 10 - 20km/h | Phạt tiền từ 800.000 - 01 triệu đồng | Điểm a Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
3 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó từ 20km/h trở lên | Phạt tiền từ 04 - 05 triệu đồng Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện trong khoảng từ 02 - 04 tháng | Điểm a Khoản 7 Điều 6, Điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP |
Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ | |||
1 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó trong khoảng từ 05 - 10 km/h | Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng | Điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
2 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó từ 10 -20km/h | Phạt tiền từ 800.000 - 01 triệu đồng | Điểm a Khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
3 | Vượt quá tốc độ quy định trên đoạn đường đó từ 20km/h trở lên | Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng Tước quyền sử dụng GPLX của người điều khiển máy kéo hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về ATGT đường bộ của người điều khiển xe máy chuyên dùng trong thời gian từ 02- 04 tháng. | Điểm b Khoản 6 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP Điểm b Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Người điều khiển phương tiện nên hiểu rõ quy định về bắn tốc độ của CSGT, CSGT được bắn tốc độ ở đâu để tránh vi phạm khi tham gia giao thông. Nếu còn thắc mắc liên quan đến vấn đề bắn tốc độ, vui lòng liên hệ đường dây nóng 19006192 để được hỗ trợ.